Xe nhập “đóng băng”, xe lắp ráp trong nước cũng “ngấm đòn” giảm 50% doanh số

Trong khi xe nhập đóng băng tại thị trường Việt Nam thì các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ của các doanh nghiệp, liên doanh trong nước cũng giảm doanh số bán hàng. Theo thống kê của Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 2/2018 doanh số bán xe con của doanh nghiệp trong nước giảm 53%, riêng sản lượng xe lắp ráp trong nước cũng suy giảm 48%.
Doanh số bán xe của doanh nghiệp trong nước giảm mạnh trong tháng 2/2018, nguyên nhân là do nằm trong tháng nghỉ Tết và người dân "cất" tiền chờ xe không thuế. Doanh số bán xe của doanh nghiệp trong nước giảm mạnh trong tháng 2/2018, nguyên nhân là do nằm trong tháng nghỉ Tết và người dân "cất" tiền chờ xe không thuế.
Cụ thể, theo VAMA tháng 2/2018, các doanh nghiệp bán gần 12.400 chiếc xe hơi, trong đó hơn 8.600 chiếc là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, hơn 3.300 chiếc xe thương mại và còn lại là xe chuyên dụng, xe tải.

Doanh số bán xe của hàng loạt đại gia suy giảm

Riêng doanh số xe du lịch giảm hơn 53%, xe thương mại cũng ghi nhận giảm 55% so với tháng 1/2018.

Doanh số toàn thị trường giảm cũng kéo theo sản lượng xe lắp ráp trong nước cũng giảm theo 48%, chỉ đạt gần 10.700 chiếc, xe nhập khẩu có lượng giảm mạnh hơn 68% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.700 chiếc, đa phần đây là xe thương mại, xe chuyên dụng.

Trong tháng, ghi nhận nhiều doanh nghiệp xe hơi có doanh số bán xe giảm mạnh hoặc không bán được xe. Toyota Việt Nam chỉ bán được hơn 2.800 chiếc xe, giảm hơn 2.300 chiếc so với tháng trước và hơn 700 chiếc so với tháng 2/2017, trong đó các dòng xe không có doanh số bán hàng như bán tải Hilux, Yaris.

Dòng xe ăn khách của hãng này là Fortuner chỉ bán được 3 chiếc, do đây là dòng xe mà Toyota tuyên bố dừng nhập từ Indonesia nên doanh số tháng 2 giảm gần như toàn bộ so với các tháng trước đó. Nếu so với cùng kỳ tháng 2/2017, doanh số bán xe Fortuner giảm 300 lần, chỉ bằng số lẻ xe được bán ra trước đó.

Một đại diện khác là Honda, tháng 2 không có chiếc xe Civic nào được bán ra, trong khi đó, xe CRV đời mới chỉ bán được 13 chiếc, lượng xe bán nhiều nhất là mẫu lắp ráp trong nước City với hơn 400 chiếc.

Với Mitsubishi, bộ phận xe nhập của hãng này cho biết chiếc xe SUV nhập Nhật Outlander đã hết hàng tồn và không được nhập về Việt Nam trong tháng 2, để dọn đường cho doanh nghiệp lắp ráp dòng xe này trong nước thay vì nhập khẩu. Các hãng như TCIEV liên doanh lắp ráp Nissan tại Việt Nam cũng không thể bán được chiếc xe Sunny nào trong tháng 2.

Dân chờ xe không thuế, hãng giảm nhập linh kiện

Đại diện doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước là Trường Hải, tháng 2 cũng ghi nhận sự sụt giảm doanh số bán xe các dòng Kia, Mazda ra thị trường do tháng trùng với Tết Nguyên đán Mậu Tuất, lượng người mua xe giảm.

Cụ thể 7 dòng xe du lịch của Kia ghi nhận doanh số bán đạt gần 1.500 chiếc, giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ tháng trước và giảm hơn 200 chiếc so với tháng 2/2017; 6 dòng xe của Mazda bán được hơn 2.000 chiếc, giảm gần 3.000 chiếc so với tháng trước nhưng lại tăng hơn 200 chiếc so với tháng 2 năm 2017.

Đại diện xe doanh nghiệp xe hơi Việt Nam cho biết, trong tháng 2/2018, khi nhu cầu tiêu dùng xe đã qua mùa cao điểm doanh số các hãng đều giảm, năm nay được cộng hưởng thêm yếu tố chính sách từ Nghị định 116 và Thông tư 03 và tâm lý thị trường trông chờ xe không thuế, giảm giá đã khiến doanh số bán toàn thị trường giảm mạnh, điều này khiến các đại lý liên kết, showroom chính hãng ngừng nhập để chờ chính sách bán hàng mới.

Một chi tiết đáng chú ý là doanh số bán xe giảm cũng khiến các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước giảm nhập khẩu linh phụ kiện đối với ngành xe hơi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2018 các doanh nghiệp xe hơi chi hơn 204 triệu USD nhập linh kiện về nước, giảm hơn 12% so với tháng trước, hai tháng đầu năm, các DN chỉ chi hơn 436 triệu USD nhập linh kiện, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Từ năm 2018, Việt Nam sẽ bỏ thuế quan đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN nếu đáp ứng được điều kiện đạt tỷ lệ nội địa hoá 40% chiếc xe. Hiện hầu hết các liên doanh tại Việt Nam đang đẩy mạnh bộ phận nhập khẩu xe hơi từ các nước như Thái Lan, Indonesia.

Và mới đây Honda đã nhập về gần 2.000 chiếc xe không thuế hiệu CRV, Civic và Jazz. Trong khi đó Toyota và Ford, Mitsubishi, Nissan cũng đang trên đường hoàn tất các thủ tục nhập xe hơi nguyên chiếc về Việt Nam.

Theo thông tin, mặc dù loan báo giảm giá hàng trăm triệu đồng/chiếc nhưng phải đến tháng 4 và tháng 5/2018, các dòng xe không thuế từ Thái, Indonesia sẽ chính thức ra thị trường và đến tay người tiêu dùng. Sự kiện này có tính hai mặt, giúp đa dạng các dòng xe tại Việt Nam, tạo nên xu thế giảm giá trên thị trường xe.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến các doanh nghiệp xe hơi trong nước đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá và doanh số bán ra có thể sẽ còn sụt giảm hơn nếu không giảm giá, hút khách hàng mới.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục