Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã nhập hơn 18.900 chiếc xe hơi, lượng giảm trên 67% so với cùng kỳ năm trước (gần 39.000 chiếc).
Ngoài các dòng xe nhập giảm rất mạnh từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonessia và trung Quốc, xe nhập từ các nước phát triển đã và đang gây chú ý.
Cụ thể, lượng xe nhập từ Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ qua 7 tháng đã giảm gần 23.500 chiếc, trong khi đó lượng xe xuất xứ từ các nước phát triển tại Anh, Đức, Mỹ và Nhật.. giảm con số trên 1.000 chiếc.
Xe Hàn với các thương hiệu xe nhập của Hyundai, Kia có lẽ là nước có lượng giảm nhập vào Việt Nam nhiều nhất với trên 5.300 chiếc. 7 tháng năm 2017, Việt Nam nhập trên 5.500 chiếc xe Hàn nhưng cùng kỳ năm nay đã giảm chỉ còn 168 chiếc, lượng giảm gần 97%.
Mặc dù người tiêu dùng Việt khá chuộng xe Nhật song, lượng xe nước này vào Việt Nam thời gian qua cũng suy giảm nhanh. 7 tháng năm 2017, Việt Nam nhập của Nhật hơn 2.236 chiếc xe hơi, nhưng cùng kỳ năm nay chỉ nhập trên 470 chiếc, lượng giảm trên 1.700 chiếc (gần 80%).
Các thương hiệu xe xuất xứ từ Anh với các hãng Land Rover, Jaguar hay Rolls-Royce thời gian qua chỉ nhập về Việt Nam được 24 chiếc, trong khi cùng kỳ năm trước là 209 chiếc, lượng nhập giảm 185 chiếc.
Xe Đức, vốn được mặc định với các thương hiệu xe đẳng cấp, chất lượng thế giới với các thương hiệu như Audi, BMW, Mercedes, Porsche hay Lamborrghini... cũng cùng chung số phận với các hãng xe của các nước khác tại Việt Nam.
7 tháng qua lượng xe Đức về Việt Nam chỉ đạt trên 250 chiếc, trong khi đó cùng kỳ năm trước xe Đức về Việt Nam hơn 740 chiếc. Lượng nhập giảm hơn 480 chiếc (khoảng 64%).
Xe Mỹ thời gian vừa qua chủ yếu về Việt Nam các dòng SUV ưa thích như: Ford Explorer, Cadilac và lượng xe chuyên dụng cũng suy giảm lượng nhập chỉ còn trên 280 chiếc, giảm 1.470 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, hầu hết các dòng xe nhập từ các nước phát triển đều không có lắp ráp tại Việt Nam hoặc có lắp ráp song là phiên bản bán tại Việt Nam, điều này có thể khiến người sành xe nhập không vui bởi quan niệm xe lắp ráp trong nước khó có thể sánh kịp về chất lượng với xe nhập khẩu toàn cầu của hãng.
Bên cạnh giảm lượng xe nhập, giá nhiều loại xe về Việt Nam đang có xu hướng tăng. Xe nhập từ Anh có xu hướng tăng giá trên 1 tỷ đồng/chiếc so với mức trung bình cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, giá trung bình xe nhập từ Anh tháng 7 năm nay là 2,6 tỷ đồng. Điều này được lý giải là do một số hãng xe không xin được giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam và xe cao cấp đang bị đội giá do thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bị áp cao thêm từ 10% đến 150% so với trước kia.
Giá bình quân xe Hàn nhập về Việt Nam cũng cao thêm gần 1 tỷ đồng/chiếc, từ gần 470 triệu đồng/chiếc năm 2017 đã tăng lên 1,45 tỷ đồng/chiếc. Theo các đại lý xe hơi ở Hà Nội, xe Hàn về Việt Nam hiện nay chỉ một vài mẫu xe du lịch cao cấp, còn lại là xe chuyên dụng, xe tải. Phần lớn xe du lịch được lắp ráp tại Việt Nam, ngay cả Hyundai SantaFe cũng được lắp ráp và bán ở thị trường Việt Nam.
Xe của Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng nằm trong xu hướng tăng giá nhập bình quân về Việt Nam. Giá xe từ mỹ về năm 2017 khoảng 650 triệu đồng/chiếc, nhưng nay đã đạt bình quân 1,3 tỷ đồng/chiếc; giá xe Nhật từ chỗ chỉ 750 triệu đồng/chiếc, nay đã có giá bình quân là 1,35 tỷ đồng/chiếc.
Theo anh Mạnh, chủ showroom xe hơi nhập khẩu trên đường Phạm Hùng, Hà Nội: "Khách hàng của xe cao cấp thường quan tâm xe chất lượng và xuất xứ xe. Tuy nhiên, thời gian qua một số dòng xe bị đẩy giá quá cao do bị áp thuế TTĐB lớn, chính điều này khiến khách ngừng mua, quay lưng với thị trường xe sang".
Bên cạnh đó, theo giới buôn xe: "Xe cao cấp đang chịu sự cạnh tranh, rủi ro chính sách lớn tại Việt Nam, nhiều thương hiệu và nhà phân phối khó xin thủ tục nhập khẩu và hoàn thiện hồ sơ nhập xe về Việt Nam. Điều này dẫn đến lượng xe nhập giảm là điều tất yếu".