Xe điện Trung Quốc trở thành cú sốc lớn với châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các hãng xe châu Âu đang ở trong tình thế khó khăn khi xe của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường nội địa của khu vực này.
Xe điện Trung Quốc trở thành cú sốc lớn với châu Âu

Cảng Vlissingen ở phía Tây Nam Hà Lan đã là trung tâm thương mại thế giới trong nhiều thế kỷ. Khoảng 17.000 tàu chở hàng cập cảng ở vùng nước sâu giữa Biển Bắc và sông Scheldt mỗi năm, chất đầy mọi thứ, từ những mặt hàng quan trọng như giấy, gỗ và thép; than đá, khí hóa lỏng, phân bón và các nguyên liệu thô quan trọng khác; cũng như trái cây và rau quả sẽ nhanh chóng được lên kệ ở các siêu thị.

Hôm thứ Tư (21/2), cảng Vlissingen đã tiếp nhận một trong những lô hàng quan trọng nhất từ trước đến nay: 5.000 ô tô điện được vận chuyển thẳng từ một nhà máy ở Thâm Quyến, Trung Quốc đến các tuyến đường khắp châu Âu và Anh.

Được sản xuất bởi nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc BYD, lô hàng này có khả năng biến căng thẳng quốc tế gia tăng thành một cuộc chiến thương mại toàn diện bùng nổ giữa Bắc Kinh và phương Tây.

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển xe điện

Ô tô điện, cùng với pin lithium và tấm pin mặt trời là những lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc đã chọn làm động lực cho sự bùng nổ xuất khẩu sản xuất lớn. Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao đã mô tả chúng là “ba ngành công nghiệp mới” của Trung Quốc.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng bù đắp cho sự sụt giảm của bất động sản do sự sụp đổ của nhà phát triển bất động sản Evergrande khiến niềm tin của người tiêu dùng bị suy giảm. Những nỗ lực của cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán đã cho thấy các quan chức lo ngại như thế nào về niềm tin của nhà đầu tư.

Duncan Wrigley, nhà phân tích của Pantheon Macro Economics cho biết: “Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch, sản xuất công nghiệp khá mạnh nhưng không đi đôi với nhu cầu trong nước… Các hộ gia đình không muốn chi tiêu nhiều vì họ lo ngại về tương lai. Mọi người lo lắng rằng nếu bây giờ họ mất việc thì họ sẽ không thể tìm được việc thay thế. Điều đó đang góp phần vào sự suy yếu liên tục trong lĩnh vực bất động sản”.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang kỳ vọng rằng động lực sản xuất do nhà nước hậu thuẫn dẫn đầu bởi hàng hóa và vật liệu tiên tiến sẽ tạo sức mạnh cho một kỷ nguyên tăng trưởng mới. Nhưng viễn cảnh Trung Quốc cố gắng cứu nền kinh tế bằng cách làm tràn ngập phương Tây với ô tô giá rẻ khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Mỹ cảnh giác.

Mối lo ngại ở Brussels và Washington là với nhu cầu trong nước đang ảm đạm, Trung Quốc sẽ tìm cách giảm bớt tình trạng dư thừa công suất bằng cách bán chúng ra nước ngoài với giá thấp hơn trong nước trên thị trường quốc tế và điều này sẽ tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp phương Tây.

Châu Âu lo ngại

Khi con tàu Explorer No.1 của BYD đang đi qua eo biển Manche sau chuyến hành trình kéo dài 5 tuần tới quần đảo Zeeland, giám đốc điều hành của hãng sản xuất ô tô Pháp Renault đã đưa ra đề nghị Anh và châu Âu cùng nhau hợp tác để chống lại điều mà ngành công nghiệp lo ngại sẽ là sự tấn công dữ dội của xe điện siêu rẻ của Trung Quốc.

“Với động cơ đốt trong, vị thế dẫn đầu của chúng tôi là không thể bàn cãi. Trong một thế kỷ, chúng tôi đã được hưởng lợi từ kiến thức chuyên môn của mình về công nghệ này và đó là rào cản gia nhập đối với những người mới đến. Ngày nay, người châu Âu thấy mình ở vị trí tương đối mong manh”, Luca de Meo, Giám đốc điều hành của Renault cho biết.

Theo Schmidt Automotive Research, vào nửa cuối năm ngoái, Trung Quốc đã chiếm được khoảng 10% thị trường xe điện châu Âu.

Việc ô tô điện của Trung Quốc tràn vào thị trường hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng phương Tây, nhưng lại là yếu tố bất lợi cho các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu. Một chiếc xe điện Tesla thông thường có thể có giá 40.000 bảng Anh, trong khi các mẫu xe của BYD có giá chỉ 8.000 bảng Anh. Các nhà nghiên cứu của Schmidt Automotive Research nhận thấy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đưa ra mức giảm giá hào phóng lên tới 12.000 euro để tăng doanh số bán hàng ở châu Âu.

Ngay cả Elon Musk, người tiên phong trong ngành và là người từng cười nhạo ý kiến cho rằng BYD có thể cạnh tranh với Tesla, cũng đang rất sợ hãi. Nếu không có rào cản thương mại, các hãng ô tô Trung Quốc “sẽ đánh bại hầu hết các công ty ô tô khác trên thế giới”, Elon Musk cho biết ngay sau khi BYD lật đổ Tesla để trở thành nhà bán xe điện số một ở Trung Quốc vào cuối năm 2023.

Một báo cáo của Bloomberg's New Energy Finance dự đoán rằng doanh số bán xe điện hàng năm sẽ đạt 56 triệu chiếc trên toàn cầu vào năm 2040 - tương đương với 58% tổng số ô tô được bán trên toàn thế giới. Họ cũng tin rằng thị phần ô tô điện của Trung Quốc sẽ là 40% vào cuối thập kỷ này, đây cũng là một dự báo được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ủng hộ.

Các chuyên gia đã ví điều này giống như cách Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. “Trung Quốc có những lợi thế to lớn này, vì đã xây dựng được quy mô khổng lồ, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều và có tất cả các chuỗi cung ứng. Trong vòng 3 đến 5 năm qua, chi phí sản xuất pin xe điện đã giảm nhiều đến mức chúng không còn cần nhiều sự hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ nữa”, nhà phân tích Duncan Wrigley cho biết.

Trong khi đó, tiếng vang của sự bùng nổ trong quá khứ của Trung Quốc dẫn đến lo ngại về việc bán phá giá các mặt hàng công nghiệp nặng như hóa chất, thép và dệt may là điều không thể bỏ qua.

“Chính sách công nghiệp của Trung Quốc ngày nay không đã ra nhiều doanh nghiệp công nghiệp có tính cạnh tranh hơn. Tình trạng dư thừa năng lực trong các ngành công nghiệp được bảo hộ đang tràn ngập thị trường toàn cầu và có thể làm suy yếu nền tảng công nghiệp của chúng ta”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula Von der Leyen cảnh báo tại một hội nghị ở Berlin vào tháng 11/2023.

Bà cho biết, Brussels đặc biệt lo ngại rằng “dư thừa công suất sẽ được xuất khẩu… đặc biệt nếu dư thừa công suất là do trợ cấp trực tiếp và gián tiếp…Điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và nhu cầu trong nước không tăng”.

Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã được hưởng lợi từ một số khoản trợ cấp cực kỳ hào phóng.

Yanmei Xie, nhà phân tích của Gavekal Research cho biết: “Trợ cấp và giảm thuế đã tạo ra tình trạng dư thừa năng lực kinh niên và cạnh tranh khốc liệt về giá cũng như tăng cường tính hiệu quả của các công ty”.

Trong khi đó, ô tô điện của Trung Quốc hiện đã phải chịu mức thuế 25% ở Mỹ, vì vậy với chủ nghĩa bảo hộ cao ở Mỹ, thương mại với châu Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, EU đã tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với ngành ô tô điện của Trung Quốc.

Các quan chức tin rằng trợ cấp đã giúp hàng nhập khẩu của Trung Quốc giảm giá ô tô điện ở châu Âu xuống 20%. Do đó việc đánh thuế 10-15% trở nên kém hiệu quả.

Số phận của ngành năng lượng mặt trời châu Âu có thể được xem như một tiền lệ. Các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của châu Âu đã đề nghị Brussels giúp đỡ sau khi bị đè bẹp bởi hàng nhập khẩu rẻ hơn và tình trạng dư cung từ Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cảnh báo rằng các hạn chế thương mại có thể khiến các công ty lắp ráp và lắp đặt tấm pin mặt trời sử dụng linh kiện nhập khẩu bị phá sản.

Miguel Stilwell d'Andrade, giám đốc điều hành của công ty điện lực Bồ Đào Nha EDP đã chỉ ra rằng, giá các tấm pin mặt trời ở Mỹ cao hơn gấp đôi so với giá ở châu Âu do thuế nhập khẩu từ Trung Quốc.

Do đó, Ủy viên Dịch vụ Tài chính EU Mairead McGuinness lo ngại quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh có thể bị phá hủy.

Mặt khác, các nhà sản xuất ô tô phương Tây lo sợ bị trả đũa nhất. Nhiều công ty có hoạt động kinh doanh đáng kể tại Trung Quốc và hầu hết đều dựa vào các bộ phận của Trung Quốc, đặc biệt là pin, cho các mẫu xe điện của họ. Việc hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc có thể giúp họ bán được nhiều ô tô hơn, nhưng họ sẽ cần nhiều nguyên liệu Trung Quốc hơn để sản xuất chúng.

Tú Lê, người sáng lập Sino Auto Insights cho biết: “Hãy nhìn xem các nhà sản xuất ô tô nước ngoài này đã tận dụng thị trường Trung Quốc đến mức nào trong 40 năm qua. Volkswagen, Toyota và General Motors sẽ không thể trở thành như ngày nay nếu không có điều đó. Vì vậy, ý nghĩ rằng họ không muốn cạnh tranh hoặc chỉ muốn cạnh tranh với Trung Quốc theo các điều kiện của họ và ở thị trường nội địa của họ là việc khá mỉa mai”.

Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục