Sức ép này lớn hơn khi đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh đã trở nên quen thuộc, nhu cầu của các nhà đầu tư thích mạo hiểm muốn giao dịch nhanh, thắng, thua nhanh đã được đáp ứng.
Một phần không nhỏ dòng tiền nóng đã tập trung vào sàn phái sinh khiến dòng tiền đầu tư vào sàn niêm yết chịu sự phân hóa mạnh. Các doanh nghiệp phải vận động nhiều hơn mới có thể duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Ðầu tháng 9/2018, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) tổ chức gặp các nhà phân tích đầu tư chứng khoán. Giá cổ phiếu HBC đã có lúc xuống 19.000 đồng/cổ phiếu do nhà đầu tư lo ngại về sự mất cân bằng của các chỉ số tài chính.
Tại cuộc gặp, HBC lần đầu công bố phần mềm quản lý tập trung có khả năng quản lý thi công hàng trăm dự án cùng lúc ở mọi nơi, quản lý về chất lượng, khối lượng, tiến độ, nhà thầu, an toàn, hồ sơ dự án, thanh toán…
Các vấn đề phát sinh tại công trường sẽ được ghi hình lại, đưa lên hệ thống quản lý và xử lý trong thời gian ngắn. Trong tương lai, phần mềm có thể định vị con đường để các xe chở vật liệu đến công trường trong thời gian ngắn nhất và nhiều giá trị tiện ích khác.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC chia sẻ, đây là bí quyết để HBC tăng trưởng doanh thu và không ngại đặt kế hoạch bước ra thị trường thế giới như Canada, Trung Ðông hay các nước châu Âu.
Thông điệp từ HBC dường như thuyết phục được những người tham dự và giá cổ phiếu HBC sau đó đã phục hồi nhanh hơn.
Một doanh nghiệp khác là Bamboo Capital có cổ phiếu BCG trong thời gian dài chỉ ở quanh mức giá 5.500 đồng/cổ phiếu, nay bắt đầu tăng trở lại khi Công ty khởi công dự án điện mặt trời và bất động sản.
BCG đã nói nhiều về chiến lược, nhưng chỉ khi Công ty đủ điều kiện khởi công các dự án đưa ra thì giá cổ phiếu mới có sự chuyển động theo chiều hướng tích cực hơn.
Không chỉ HBC hay BCG, các doanh nghiệp niêm yết khác nếu muốn cổ phiếu thu hút được dòng tiền và được định giá sát thực thì cần thể hiện rõ sức mạnh nội lực ra công chúng.
Ðiều kiện thị trường thay đổi khiến việc lái giá, làm giá không còn dễ dàng như trước. Giá cổ phiếu trên sàn sẽ dần đi vào “đường ray” vận động theo sự phát triển của doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp lớn, nếu công bố kế hoạch kinh doanh không tăng trưởng cũng dễ dàng bị dòng tiền lướt qua. Trong quá khứ, điều này từng xảy ra với các cổ phiếu đầu ngành như MSN, CTD, HPG, TCM…
Khi nhà đầu tư thông minh hơn, dòng tiền chuyển động nhanh hơn, bám sát hơn với diễn tiến từ doanh nghiệp, câu chuyện giữ cổ phiếu tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư sẽ bước sang một giai đoạn khác, cần cách làm chuyên nghiệp, chuẩn mực hơn.
Ðể duy trì vị thế của mình trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp không có cách nào khác ngoài việc phải làm mới cơ cấu hoạt động, dự án, chiến lược…, phải “nuôi” dòng thông tin minh bạch và đặc biệt là nuôi dưỡng hiệu quả kinh doanh thực tế từ hoạt động của chính mình.