Mở đường cho tăng trưởng qua hạ tầng số
Hành trình số hóa của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đầy tham vọng: xây dựng nền kinh tế không tiền mặt vào năm 2030. Cùng lúc, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ đạt thu nhập lãi ròng 17,61 tỷ USD vào năm 2025, nhờ nhu cầu tiêu dùng gia tăng và tốc độ mở rộng nhanh của các ngân hàng số.
|
Bà Cassandra Goh, CEO Công ty Silverlake Axis |
Những chuyển biến này phản ánh các thay đổi lớn trong xã hội: tầng lớp trung lưu gia tăng, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh mẽ và một thế hệ trẻ am hiểu công nghệ đang định hình lại hệ sinh thái tài chính. Ngân hàng ngày nay không chỉ là nơi giữ tiền, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng tiếp cận vốn, thúc đẩy thanh toán số và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo (AI), cùng với những đứt gãy trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, đang thúc đẩy mọi lĩnh vực - không riêng gì ngân hàng - phải xem xét lại mô hình hoạt động, nâng cấp nguồn lực con người và tái cấu trúc hạ tầng số. Trong bối cảnh này, những tổ chức dám đổi mới và tiên phong sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường tương lai.
Điều rõ ràng là, nếu không chuyển đổi, các ngân hàng sẽ bị tụt lại phía sau, mắc kẹt trong hệ thống cồng kềnh, rời rạc và thiếu đồng nhất - yếu tố gây ra sự phức tạp và chất lượng dịch vụ không đồng đều trong nội bộ tổ chức. Trước đây, nhiều khoản đầu tư công nghệ được thực hiện theo hướng chắp vá, phục vụ nhu cầu riêng lẻ của từng bộ phận.
Tuy nhiên, Việt Nam lại có cơ hội đặc biệt - một thị trường chưa bị ràng buộc bởi hạ tầng kế thừa quá phức tạp - để tái thiết hệ thống ngân hàng từ “hậu trường” đến “tiền tuyến” theo hướng ứng dụng AI toàn diện.
|
Tư duy cần chuyển từ “AI trong ngân hàng” sang “ngân hàng chủ động ứng dụng AI” |
Để đối mặt hiệu quả với các thách thức hiện tại, ngành ngân hàng cần một chiến lược số được dẫn dắt bởi tầm nhìn dài hạn. Có hai trọng tâm đầu tư nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững: thứ nhất, ứng dụng các nền tảng cốt lõi có khả năng mở rộng cao, linh hoạt và sẵn sàng cho AI; thứ hai, xây dựng chiến lược công nghệ thông tin toàn diện theo chiều ngang. Dù đã có nhiều khoản đầu tư đáng kể vào số hóa giao diện người dùng, thì việc hợp nhất các cơ sở hạ tầng cũ hiện nay là điều cấp thiết.
Chuyển đổi toàn diện không chỉ giúp giảm chi phí và rủi ro dài hạn, mà còn duy trì tri thức tổ chức nâng cao năng lực nội bộ, từ đó cải thiện hiệu quả tương tác với khách hàng và đối tác. Ví dụ, đầu tư vào công nghệ tài trợ thương mại cần được đánh giá trong bối cảnh tổng thể của toàn bộ chu trình ngân hàng doanh nghiệp, kết hợp yếu tố kinh doanh và công nghệ. Cách tiếp cận truyền thống vốn tách biệt giữa ứng dụng hậu cần và vận hành tuyến đầu đang cản trở tích hợp hiệu quả. AI có thể xóa bỏ ranh giới này nếu được triển khai đồng bộ.
Trong làn sóng chuyển dịch lên điện toán đám mây, việc bảo trì và quản lý hệ thống ngày càng phức tạp do sự phụ thuộc vào nhiều công nghệ mã nguồn mở khác nhau. Thay vì chỉ áp dụng AI cho các ứng dụng rời rạc như chatbot, ngân hàng cần ưu tiên ứng dụng AI toàn diện vào quy trình lõi để nâng cao hiệu suất và tối ưu vận hành. Tư duy cần chuyển từ “AI trong ngân hàng” sang “ngân hàng chủ động ứng dụng AI”.
Tăng cường khả năng chống chịu trước biến động toàn cầu
Ngành ngân hàng Việt Nam cũng đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Tác động của lãi suất toàn cầu tăng cao, thắt chặt dòng vốn và căng thẳng địa chính trị kéo dài đang ảnh hưởng đến tín dụng và làm gia tăng rủi ro nợ xấu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng và mức độ sẵn sàng cho điện toán đám mây. Theo Gartner, nếu không hiện đại hóa, các ngân hàng Đông Nam Á sẽ khó đạt được hiệu quả và tiến bộ. Trên thực tế, không ít ngân hàng Việt Nam vẫn đang vận hành trên hệ thống không đồng nhất, khiến hiệu quả vận hành không cao và khả năng phản ứng kém linh hoạt trước biến động thị trường, chưa kể đến việc dẫn dắt chuyển đổi trong dài hạn.
Ngành ngân hàng cần chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng khả năng chống chịu và đổi mới sáng tạo nhằm bảo vệ mình trước những cú sốc từ môi trường vĩ mô. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, từ việc tái thiết các quy trình ngân hàng như thẩm định tín dụng, quản lý rủi ro, trước khi lựa chọn công nghệ phù hợp.
Chẳng hạn, Silverlake đang triển khai chiến lược “AI for Banking”, lấy ngân hàng làm trung tâm của quá trình ứng dụng AI. Việc phát triển nền tảng CatgWorkz (CgW), cùng với các hệ thống SIIBS II và Mobius II, đánh dấu thế hệ mới của hệ sinh thái AI-core, được thiết kế riêng để tối ưu hóa giao tiếp máy-với-máy trong môi trường ngân hàng vận hành bằng AI. Các nền tảng này không chỉ cung cấp phân tích thông minh, mà còn mang lại trải nghiệm người dùng theo ngữ cảnh - hướng đến mô hình ngân hàng linh hoạt, thích ứng và toàn diện hơn.
Với các ngân hàng Việt Nam, một cách tiếp cận tích hợp giữa chiến lược và vận hành thông qua tái thiết quy trình sẽ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.
Tài chính bền vững - Trụ cột cho phát triển dài hạn
Tài chính bền vững đang dần trở thành trọng tâm đổi mới của các ngân hàng trong khu vực châu Á và Việt Nam không thể chậm chân. Dù đã cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tiến trình về tài chính xanh trong nước vẫn còn chậm. Tính đến nay, tín dụng xanh mới chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng.
Trong khi các quốc gia như Singapore và Indonesia đã triển khai hệ thống phân loại xanh ở cấp quốc gia, Việt Nam dự kiến sẽ ban hành chính sách tương tự vào năm 2025. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp các ngân hàng thiết kế các sản phẩm tài chính và danh mục đầu tư phù hợp với tiêu chí ESG.
Cơ hội đã rõ: các ngân hàng có thể đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi xanh bằng cách phát triển sản phẩm tài chính gắn với mục tiêu khí hậu, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi tài chính cho doanh nghiệp giảm carbon. Tuy nhiên, rào cản vẫn còn, bao gồm thiếu các tiêu chuẩn cụ thể và khung pháp lý rõ ràng. Nếu các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và nhà cung cấp hạ tầng số, họ sẽ ở vị thế vững chắc để thúc đẩy Việt Nam chuyển mình sang nền kinh tế phát thải thấp.
Hướng tới tương lai
Ngành ngân hàng Việt Nam đang trên hành trình chuyển mình, tuy nhiên tốc độ chưa đồng đều. Một mặt, có những tiến bộ rõ rệt trong chuyển đổi số và tăng cường khả năng chống chịu trước biến động toàn cầu. Mặt khác, tài chính xanh vẫn ở giai đoạn sơ khởi và cần được thúc đẩy mạnh mẽ để theo kịp các chuẩn mực khu vực và toàn cầu.
Tương lai ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố cốt lõi: sự hỗ trợ của khung pháp lý, hợp tác công - tư hiệu quả và chiến lược đầu tư đúng đắn vào công nghệ cũng như con người. Với nền tảng phù hợp, các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn có thể vượt ra khỏi vai trò truyền thống để trở thành động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tiếp theo - một nền kinh tế số hóa, bền vững và có khả năng chống chịu cao.
Cuối cùng, các ngân hàng cần chuẩn bị để phục vụ thế hệ người dùng “thuần AI” như Gen Alpha - những người đã quen sử dụng DeepSeek hay ChatGPT để thực hiện các tác vụ hàng ngày. Đây là thời điểm vàng để các ngân hàng rà soát lại chiến lược đầu tư và quan hệ đối tác, nhằm đảm bảo sự sẵn sàng cho một tương lai vốn dĩ đã khởi động ngay từ hôm nay.