Theo PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), việc xây dựng Luật không chỉ đơn thuần là đổi tên, mà là bước đột phá với tư duy mới, nhằm điều chỉnh toàn bộ hoạt động của kinh tế hợp tác, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển tương xứng với tiềm năng.
Thay vì sửa đổi Luật HTX (năm 2012), Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến xây dựng Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác để thay thế. Quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) |
Quá trình triển khai Luật HTX (năm 2012) đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó, có 2 yếu tố quan trọng không đạt được, thậm chí bị thụt lùi, đó là, số lượng thành viên tham gia HTX giảm và tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP ngày càng giảm.
Như vậy, có thể nói, khu vực kinh tế tập thể đã không đạt được mục đích là “phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” đã được đặt ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Có nhiều nguyên nhân khiến khu vực HTX ngày càng... đuối so với các thành phần kinh tế khác, trong đó có nguyên nhân Luật HTX không còn phù hợp, đặc biệt là chưa bao trùm toàn bộ khu vực kinh tế hợp tác. Bởi trong khu vực kinh tế hợp tác, ngoài HTX còn có liên đoàn HTX, liên hiệp HTX, liên minh HTX và tổ hợp tác. Nếu chỉ sửa đổi Luật HTX, kể cả sửa đổi toàn diện, thì vẫn không thể điều chỉnh được tổ hợp tác.
Vì vậy, việc thay đổi tên luật không chỉ đơn thuần là đổi tên, mà là bước đột phá với tư duy rất mới.
Thực tế xây dựng luật pháp cho thấy, việc đổi tên luật không hề đơn giản, vì sẽ thay đổi cả nội hàm của luật. Theo ông, để đơn giản, có nên giữ nguyên tên luật và chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh?
Tôi tin rằng, khi đã có đủ căn cứ khoa học, thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, Ban Soạn thảo sẽ thuyết phục được Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Khi xây dựng Luật Doanh nghiệp (năm 2020), Ban Soạn thảo rất muốn đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh, nhưng không được Quốc hội chấp nhận chỉ bởi tên luật là Luật Doanh nghiệp. Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, nên không thể đưa vào là đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Tương tự, nếu vẫn giữ tên luật là Luật HTX, thì không thể điều chỉnh được mô hình tổ hợp tác. Hiện nay, cả nước có hơn 100.000 tổ hợp tác hoạt động ở hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, thu hút trên 1,4 triệu thành viên và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hỗ trợ người yếu thế tăng thu nhập, tạo việc làm… Do không được điều chỉnh trong Luật HTX, nên tổ hợp tác rất ít khi nhận được sự hỗ trợ, trợ giúp của Nhà nước, ngay cả khi chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và 2021.
Vì vậy, tinh thần của Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là chỉ quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, đó là sự thay đổi mang tính đột phá.
Ông có thể phân tích rõ, đột phá ở điểm nào?
Không chỉ có các nhà lập pháp, giới luật gia, mà các định chế tài chính, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều khẳng định, Luật Doanh nghiệp là sự đột phá trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, vì luật chỉ quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, còn trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải tuân thủ các luật chuyên ngành khác
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác cũng được thiết kế theo hướng này, tức là chỉ quy định việc thành lập, mô hình tổ chức của kinh tế hợp tác. Trong quá trình hoạt động, tổ chức kinh tế hợp tác phải tuân theo các luật chuyên ngành khác.
Một số ý kiến cho rằng, thiết kế như vậy thì sẽ trở thành luật khung, luật ống, nhưng theo tôi, quy định như vậy là phù hợp. Thực tế, việc thực thi Luật Doanh nghiệp đã chứng minh hiệu quả. Ví dụ, về mô hình tổ chức, thành lập, giải thể..., thì doanh nghiệp căn cứ vào Luật Doanh nghiệp để thực hiện, còn hoạt động ở phạm vi nào, lĩnh vực nào, thì căn cứ vào luật chuyên ngành. Thậm chí, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được ban hành một luật riêng để điều chỉnh, chứ không quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp.
Dự thảo (lần 1) Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác đưa ra mô hình kinh tế hợp tác rất mới và chưa xuất hiện tại Việt Nam là liên đoàn HTX. Theo ông, đưa vào luật một mô hình kinh tế chưa xuất hiện liệu có nhận được sự đồng thuận?
Liên đoàn HTX trên thế giới phát triển rất mạnh. Đây là tổ chức vừa tham gia hoạt động kinh tế phục vụ, hỗ trợ thành viên, vừa hoạt động như một tổ chức đại diện trong một ngành, lĩnh vực theo chiều dọc như nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng, ngân hàng, ngành cá, ngành sữa...
Việt Nam chưa có liên đoàn HTX, vì cả Luật Doanh nghiệp và Luật HTX (năm 2012) đều không quy định về mô hình này. Theo đó, việc luật hóa loại hình tổ chức liên đoàn HTX là rất cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của phong trào HTX trên thế giới.
Theo Dự thảo, liên đoàn HTX phải do ít nhất 5 liên hiệp HTX, HTX tự nguyện thành lập. Liên đoàn HTX có cả thành viên chính thức và thành viên liên kết là các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp), một tổ chức kinh tế có thể tham gia vào nhiều liên đoàn. Đây là vấn đề rất mới với Việt Nam, vì vậy, theo tôi, nên giao Chính phủ quy định cụ thể.