Đẩy nhanh quá trình số hóa
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, công nghệ số - chuyển đổi số - kinh tế số - kỷ nguyên số là tiến trình không thể đảo ngược. Đây là xu thế toàn cầu. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số.
“Đây thực sự là cơ hội để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường. Kinh tế số sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng này là bền vững vì sử dụng tri thức nhiều hơn tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn, nên tạo ra cơ hội cho nhiều người tham gia hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số không biên giới, sẽ góp phần làm giảm khoảng cách nông thôn và thành thị. Công nghệ số đem lại cho Việt Nam những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách.
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng ngay trong năm 2019. Đề án sẽ xác định rõ ai phải làm gì, trong bao lâu và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số trên phạm vi cả nước trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
“Nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số, từ đó thay đổi cách chúng ta sản xuất, cách chúng ta đang làm việc không ai khác chính là các doanh nghiệp số Việt Nam. Dùng công nghệ để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế nhanh chóng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng chuyển đổi số
Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi số ngay trong năm 2019.
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, năm 2019 là năm bản lề thực hiện Chiến lược VNPT 4.0, hướng tới chuyển thành một doanh nghiệp số lớn mạnh trong khu vực. VNPT đang bám sát Đề án Chuyển đổi số quốc gia, tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu. Bản thân VNPT đang chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành một doanh nghiệp số, hoạt động toàn bộ trên môi trường số.
“Năm 2019, VNPT sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương hoàn thành khung kiến trúc chính quyền điện tử, tiến tới mô hình chính phủ số, hoàn thành các cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình chuẩn của chuyển đổi số. VNPT sẽ tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương tận dụng tất cả các hạ tầng đầu tư không lãng phí. Xây dựng các trục liên thông từ Trung ương tới địa phương trên cơ sở cái gì đang sử dụng hiệu quả ở địa phương sẽ tích hợp vào để tránh lãng phí”, ông Long cho biết.
Viettel cũng vừa ra tuyên bố khẳng định, năm 2019 là năm Viettel lĩnh sứ mệnh “kiến tạo xã hội số ở Việt Nam”, chuyển đổi mạnh mẽ từ doanh nghiệp viễn thông sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.
“Tại Việt Nam, thời gian cho chuyển đổi số hiệu quả nhất chỉ trong vòng 2 năm, 2019 - 2020, còn sau đó thì chúng ta sẽ bị muộn so với thế giới. Nếu kéo dài, sẽ rất căng cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm quyền Tổng giám đốc Viettel đánh giá.
Theo ông Dũng, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số. Điều cần thiết là phải nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử, chữ ký số. Xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia cũng là một cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công.
Ông Lê Đăng Dũng cũng đề nghị Chính phủ cấp phép cho Viettel tham gia vào phát triển thanh toán số, gồm những dịch vụ: chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung, dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử giá trị nhỏ.
Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc thông tin, Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ đưa ra tầm nhìn, mục tiêu, các lĩnh vực trọng điểm của chuyển đổi số, ví dụ như chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi số trong y tế, giáo dục đào tạo, phúc lợi xã hội…
“Chúng tôi coi bản đề án này tương đương với Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Các cơ quan, đơn vị trong Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước liên quan xây dựng thật tốt Đề án để chúng ta có được kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số quốc gia”, ông Phúc cho biết.
Ba bước để chuyển đổi số
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam sẽ gồm 3 bước.
Bước 1, đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi số chính phủ. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong xã hội, sẽ tăng năng suất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới.
Bước 2, sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu.
Bước 3, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số mới. Các ngành công nghiệp này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.