Xanh hóa nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiến lược tăng trưởng xanh được cho là đi tắt đón đầu, đưa kinh tế phục hồi nhanh, bền vững sau đại dịch Covid, hướng tới khát vọng nền kinh tế thịnh vượng.
Theo xu hướng phát triển bền vững, Sơn Hà chuyển hướng sang sản xuất xe máy điện Theo xu hướng phát triển bền vững, Sơn Hà chuyển hướng sang sản xuất xe máy điện

Chuyển đổi với cuộc cách mạng tiêu dùng xanh

“Không thể đứng ngoài xu hướng” là chia sẻ của ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà (SHI) khi chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về bước ngoặt rẽ sang làm xe điện của Công ty.

Ông cho hay, hiện nay xu thế sử dụng xe điện thay thế xe động cơ đốt trong trên thế giới đang phát triển mạnh, các hãng xe lớn đều đang tích cực chuyển đổi sang sản xuất xe điện, sự thay đổi này sẽ là một cuộc cách mạng giao thông xanh. Cuộc cách mạng ấy đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam và thị trường xe điện Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Số lượng xe máy điện bán ra thị trường hàng năm tăng từ 30 - 40% (theo thống kê từ 2016 đến nay) và đang tạo tiền đề cho sự thay thế nhanh chóng xe máy sử dụng xăng trong thời gian tới và là xu thế tất yếu của sự phát triển công nghiệp giao thông.

Đánh giá về hành trình mà Sơn Hà đang đi, ông Andre Maurice de Jong, Giám đốc Ngành xe hai bánh và xe điện khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Bosch) chia sẻ: “Một chặng đường dài đều bắt đầu bằng những bước chân nhỏ. Hành trình ấy đang gặp khó khăn vì Covid và nền kinh tế chịu tác động của đại dịch, nhưng tôi tin rằng, Sơn Hà sẽ vượt qua và thành công” .

Hiện Tập đoàn Sơn Hà có nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại Bắc Ninh với công suất giai đoạn 1 từ 20.000 - 30.000 chiếc mỗi năm.

Năm 2021 và 2022, Sơn Hà tập trung xây dựng phát triển hệ thống tiến tới phủ điểm bán trên toàn quốc. Ông Hoàng Mạnh Tân cho biết, Công ty kỳ vọng đến năm 2022, mảng xe điện sẽ đóng góp khoảng 300 tỷ đồng doanh thu và tốc độ tăng trưởng gấp đôi mỗi năm. Mục tiêu trong vòng 5 - 10 năm tiếp theo, Sơn Hà sẽ trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất, lắp ráp cung cấp xe điện lớn nhất Việt Nam.

Doanh nghiệp này tự tin phát triển mạnh ở thị trường xe điện dù là “một tấm chiếu mới”, bởi đầu tư công nghệ hiện đại, tối ưu hóa sản phẩm và sở hữu hệ thống phân phối lớn trải dài khắp cả nước. Sơn Hà cho biết, sản phẩm bán ra với giá thành rất phải chăng, đảm bảo chất lượng ổn định và bảo hành uy tín, tạo lợi thế mạnh trên thị trường.

Trong lĩnh vực ngành ô tô, ngay đầu năm 2022, Vinfast (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã mở đăng ký bán xe ô tô điện và tuyên bố dừng sản xuất xe xăng. Ngày 6/1/2022, trong khuôn khổ Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES 2022) tại Las Vegas, Mỹ, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup kiêm CEO VinFast cho biết, VinFast sẽ ngừng sản xuất xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất các dòng xe thuần điện. Theo đó, VinFast sẽ trở thành hãng xe điện 100% vào năm 2022.

VinFast đã ra mắt 5 mẫu xe điện thuộc các phân khúc, trong đó tại sự kiện, nhà sản xuất này chính thức mở bán 2 mẫu xe VF8 và VF9. Tính đến 8h ngày 8/1/2022, đúng 48 tiếng sau khi mở bán, hãng công bố đã có 24.308 đơn đặt hàng cho hai mẫu ô tô điện là VF8 và VF9 trên toàn cầu. Đây là một con số ấn tượng, khẳng định sự tin tưởng của người dùng. Cuộc cách mạng xanh trên thị trường ô tô được kỳ vọng sẽ diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam với khởi đầu là VinFast.

Chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh gắn với tăng trưởng bền vững đã được nhiều doanh nghiệp tính toán từ rất lâu. Người tiêu dùng cũng hưởng ứng cuộc chuyển đổi ấy. Chị Nguyễn Lan Phương, một khách hàng đặt mua xe ô tô điện VinFast chia sẻ, khi xe điện đã trở thành một xu hướng của toàn cầu, chúng ta cũng không nên nằm ngoài xu hướng đó. Xe điện VinFast thiết kế đẹp và giá hợp lý, chỉ cần hệ thống sạc điện ở Việt Nam được phủ rộng, đáp ứng nhu cầu và tính tiện ích cho người dùng, xu hướng tiêu dùng xanh này sẽ được rộng mở hơn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, từ nhiều năm nay, rất nhiều bạn trẻ đã chú trọng sản xuất gắn với tăng trưởng bền vững, xây dựng các mô hình sinh thái. Đầu tháng 11/2021, Cam Vinh Kỳ Yến là loại cam đầu tiên của Việt Nam được cấp mã số của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), mở rộng cơ hội đến với thị trường quốc tế.

Nguyễn Thị Lê Na, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến cho biết, để có được thành quả của ngày hôm nay, cô và team đã có 10 năm không ngừng nỗ lực phát triển trái cam xứ Nghệ theo hướng cam sinh thái gắn với phát triển bền vững và nâng cao giá trị.

Cam Vinh Kỳ Yến cũng là trái cam đầu tiên ở Nghệ An được xây dựng thương hiệu một cách bài bản, đạt chứng nhận VietGap và xây dựng mô hình cam sinh thái. Năm 2018, Cam Vinh Kỳ Yến được quỹ Vietnam Silicon Valley rót vốn và đồng hành phát triển. Hai năm sau đó, với sự đồng hành của Quỹ, Lê Na đã quy trình hóa toàn bộ kinh nghiệm xây dựng có được từ Cam Vinh Kỳ Yến để thành lập Công ty Ecovi với mục tiêu làm thương hiệu, nâng tầm giá trị các sản phẩm nông sản khác tại Việt Nam và nỗ lực phát triển mô hình du lịch sinh thái với tham vọng có thể xuất khẩu làng du lịch Ecovi ra thế giới bằng công nghệ.

Tất cả những nỗ lực mà Lê Na đang làm cùng hướng tới tăng trưởng bền vững, mở rộng cánh cửa ra thị trường quốc tế bằng những sản phẩm nông sản Việt có giá trị.

Nền tảng cho phát triển bền vững

Đến với Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mang theo một hành trang quan trọng là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được ban hành vào 1/10/2021. Chiến lược đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Điều này cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

COP26 là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất kể từ hội nghị lịch sử ở Paris năm 2015, tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới nhằm làm chậm lại quá trình trái đất ấm lên, cơ hội để giúp thế giới phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện với biến đổi khí hâu.

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 9% lượng phát thải bằng nội lực và 27% nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài. Ngừng sử dụng than là yếu tố vô cùng quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra trên quy mô toàn cầu.

Cam kết này được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử của Việt Nam. Hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường là một việc không dễ thực hiện đặc biệt đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp định hướng phát triển mới của đất nước là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Việt Nam phải vượt qua thách thức phục hồi trong và sau Covid-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Chiến lược này nhằm đưa Việt Nam "đi tắt đón đầu", bắt kịp, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục