Góp phần “gieo những hạt giống khỏe mạnh” cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến 21/12/2021, triển khai Nghị quyết 116 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn vì Covid-19, đã có hơn 363.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm khoảng 8.000 tỷ đồng đóng Quỹ BHTN và hơn 12.797.000 lao động được hỗ trợ hơn 30.300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra việc hỗ trợ người lao động tại Công ty TNHH ToTo Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra việc hỗ trợ người lao động tại Công ty TNHH ToTo Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, đó chỉ là một trong nhiều chương trình mà ngành BHXH đã nỗ lực tham gia hỗ trợ các thành phần kinh tế đứng vững trong đại dịch 2 năm qua.

Tại cuộc làm việc với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vào tháng 12/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những kết quả mà toàn ngành BHXH Việt Nam đã đạt được trong năm 2020 và năm 2021. Những kết quả đó cụ thể là gì, thưa ông?

Ngày 8/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với BHXH Việt Nam. Tại cuộc làm việc, ngành BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ biểu dương những kết quả đạt được trong năm 2020 và năm 2021 thể hiện qua một số mặt công tác nổi bật.

Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); đặc biệt đã phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Thứ hai, tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đạt được nhiều mục tiêu đề ra; độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, trong đó người tham gia BHXH tự nguyện vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân.

Thứ ba, công tác quản lý quỹ BHXH bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên Trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng VssID- BHXH số. Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của BHXH Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh thời gian qua.

Năm 2021, bên cạnh những công việc thường xuyên, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ “chưa có tiền lệ” đến người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, qua đó cùng các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách lớn. Đó là những chính sách lớn nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư, với vai trò là cơ quan thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã tiếp tục chủ động, tích cực đề xuất, tham gia phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gồm: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021, đặc biệt là Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ BHTN…

Ngay sau khi các văn bản trên được ban hành, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ, với phương châm đưa chính sách đến với doanh nghiệp và người lao động nhanh nhất, thuận tiện nhất.

Kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, chỉ sau 7 ngày, toàn ngành đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375.000 đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày còn 1 ngày làm việc.

Tính đến ngày 28/12/2021, toàn ngành đã giải quyết cho 846 đơn vị với 160.218 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.113 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.012.864 lao động của 70.804 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ.

Trong thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trong vòng 5 ngày (đến 5/10/2021), toàn ngành đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ BHTN đến 363.600 đơn vị sử dụng lao động, với số tiền điều chỉnh giảm khoảng 7.594,6 tỷ đồng. Hiện đã có hơn 12,7 triệu người lao động được nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN với tổng số tiền khoảng 30.300 tỷ đồng.

Các gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với người lao động và đơn vị sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHXH, BHTN, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng.

Việc ngành BHXH Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch Covid-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Dự báo, diễn biến dịch bệnh năm 2022 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; đồng thời, ngành BHXH Việt Nam cũng cần thực hiện rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ mới trong năm nay. Vậy, mục tiêu và giải pháp của ngành trong năm 2022 để hoàn thành mục tiêu đề ra là gì?

Có thể thấy, nguy cơ lan rộng, bùng phát của đại dịch vẫn còn hiện hữu; hoạt động của các trung tâm kinh tế, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, tỉnh, thành phố lớn gặp nhiều khó khăn; chuỗi cung ứng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch; đời sống người lao động, người dân gặp khó khăn do tạm dừng việc, nghỉ việc, thậm chí mất việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH khi thực hiện các chính sách an sinh…

Những vấn đề đó đòi hỏi, yêu cầu ngành BHXH Việt Nam phải có kế hoạch thích ứng linh hoạt, phù hợp; tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống, đặc biệt là việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN trong tình hình mới, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia.

Trong năm 2022, BHXH Việt Nam xác định tập trung cao độ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thường xuyên rà soát, xây dựng, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người yếu thế, người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thống nhất quan điểm chỉ đạo xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ".

Nam Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục