Ngấm thiệt hại do chậm chuyển đổi xanh
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ước tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 30,25 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoại trừ Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) công bố tăng trưởng doanh thu xuất khẩu, với 5.437 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, thông tin từ các doanh nghiệp ngành này (số liệu cập nhật đến hết quý II/2023) đều cho thấy sự sụt giảm mạnh về doanh số, lợi nhuận.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH), doanh thu nửa đầu năm đạt hơn 2.179 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 112 tỷ đồng; giảm lần lượt 20% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, doanh thu và lợi nhuận 6 tháng giảm mạnh là do đơn hàng sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng cao.
Tương tự, 6 tháng đầu năm, Tổng công ty May 10 (mã M10) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 1.900 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. Tổng công ty May Hưng Yên (mã HUG) ghi nhận doanh thu 6 tháng đạt 376 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng, giảm 23,5%. Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã HTG) ghi nhận doanh thu gần 2.310 tỷ đồng và lãi sau thuế 81,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm 11% và 43% so với cùng kỳ năm trước…
Thậm chí, Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã GMC) chỉ ghi nhận doanh thu thuần hơn 100 triệu đồng trong quý II/2023, giảm tới 99,92% so với cùng kỳ. Hai quý đầu năm, công ty này lỗ hơn 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.
Theo Vitas, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay chỉ có thể đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm 9 - 10% so với năm 2022.
Tương tự, xuất khẩu thủy sản cũng suy giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 9/2023 ghi nhận sự hồi phục của xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU với mức tăng khoảng 4 - 17% so với cùng kỳ, song lũy kế 9 tháng đầu năm mới đạt 6,6 tỷ USD, vẫn giảm 22% so với cùng kỳ.
Để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không bị loại khỏi cuộc chơi do chậm “xanh hoá”, các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về cơ chế, chính sách. Bởi lẽ, quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ cao, mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực để theo đuổi.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI
Trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đối chiếu với mục tiêu xuất khẩu gỗ năm nay là 17 tỷ USD thì thấy tốc độ xuất khẩu của ngành này đang diễn ra khá chậm.
Ngoài lý do tổng cầu suy giảm, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam suy giảm được giới chuyên gia chỉ ra: nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa theo kịp các tiêu chuẩn về phát triển bền vững vốn được nhiều thị trường lớn tăng cường kể từ sau đại dịch Covid-19.
“Doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần đơn hàng xuất khẩu do chưa tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó nổi bật là các tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, mà vẫn dựa chủ yếu vào gia công, nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài” PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt đơn hàng xuất khẩu đồ bảo hộ, đồ phòng chống Covid-19. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã để mất đơn hàng vào tay đối thủ cạnh tranh Bangladesh. Năm 2022, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), đồng thời có 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu sang 150 nước và vùng lãnh thổ, nhưng đang gặp không ít khó khăn với việc đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, thị trường EU có quy định về chống phá rừng cũng như trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện tốt Hiệp định VPA/FLEGT; Nhật Bản yêu cầu sản phẩm gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ bền vững; Đức yêu cầu phải cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…
“Doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với các điều kiện này rất kém, do vậy, không chỉ mất đơn hàng tạm thời do suy thoái tổng cầu từ bên ngoài, mà còn có nguy cơ mất hẳn đơn hàng’, ông Thế Anh cảnh báo.
Chuyển mình để thích ứng
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, “xanh hóa” và “số hóa” là hai từ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đang theo đuổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế. Thậm chí, nếu như trước đây, “tính xanh” chỉ xuất hiện trong những đơn hàng cao cấp thì ngày nay được đặt ra với mọi phân khúc, là “mệnh lệnh thị trường” đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu.
“Chưa bao giờ tính cưỡng bức tư duy “kinh tế xanh” lại mạnh mẽ như hiện nay. Mới đây, ngành dệt may thế giới còn yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy mà phải tái chế. Các quy định này được tính điểm trong đơn hàng. Trường hợp doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị mất đơn hàng về tay Bangladesh thời gian qua là ví dụ”, ông Thành nói.
Trước “mệnh lệnh” từ thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi xanh. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, Hiệp hội đặt mục tiêu trong năm 2023 giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước và đến năm 2030 xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Trong ngành thủy sản, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) đã mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản, đáp ứng được mọi yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch từ phía EU.
Nhiều năm nay, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chú trọng đến thực hành các tiêu chuẩn ESG cũng như thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế. Công ty đã hoạch định những kế hoạch cụ thể và dài hơi liên quan tới tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng nguồn nước hiệu quả và tiết kiệm; kiểm soát và xử lý tốt phát thải…
Gần đây, Công ty có thêm những bước tiến trong phát triển bền vững, với việc công bố lộ trình đạt Net Zero vào năm 2050 và ra mắt trang trại, nhà máy sữa đầu tiên tại Nghệ An đạt trung hòa các-bon…