Dệt may “xanh hóa” để tìm thêm đơn hàng

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng, để nâng cao tính cạnh tranh, tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển, doanh nghiệp dệt may phải đi theo con đường sản xuất bền vững.
Dệt may “xanh hóa” để tìm thêm đơn hàng

“Xanh hóa” sản xuất hàng dệt may

Trong năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu 43,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, khi xuất khẩu còn tiếp tục bất lợi, thì mục tiêu này khó có thể đạt được. Điều doanh nghiệp trong ngành cần phải làm hiện nay là “xanh hóa” sản xuất, không chỉ góp phần giúp giảm phát thải, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, nhất là tại các thị trường xuất khẩu lớn.

Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy cho biết, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 270 tỷ đồng vào nhà xưởng 10.000 m2 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhờ đó có thể tiến đến quy trình sản xuất xanh một cách nhanh chóng. Đặc biệt, ở khâu nhuộm, dệt, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 60 - 70% lượng nước so với công nghệ cũ, không chỉ giúp khép kín quy trình sản xuất, mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp may mặc trong nước, với năng suất 2 triệu mét vải/năm.

“Mới đây, doanh nghiệp xuất 2 container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác ở Mỹ. Đây là lô hàng đầu tiên sau khi Công ty tận dụng cơ hội đầu tư nhà máy mới với máy móc, thiết bị theo công nghệ của Đức, Italia từ 5 năm trước và chuyển sang mô hình sản xuất xanh từ cuối năm 2022. Nhờ vậy, những máy móc, thiết bị tại Trung Quy đều được đóng dấu ‘nhãn xanh’ (green label)”, ông Quy chia sẻ.

Chiến lược Phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 nêu rõ, dệt may, da giày phải đầu tư theo hướng đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; cam kết giảm phát thải khí CO2; thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lò hơi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên…

Cụ thể, với tổng khí CO2 phát thải năm 2019 là 57,783 triệu tấn, Công ty cổ phần Dệt may Trần Hiệp Thành cam kết đến năm 2026 giảm 29,4% lượng CO2 trong bối cảnh liên tục tăng trưởng. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp liệt kê các nguồn phát thải như lò hơi, gas, thiết bị dùng điện… và tiến hành cắt giảm việc sử dụng than đá, thay bằng vỏ cây và kiểm soát năng lượng…

Ông Lê Văn Linh, Trưởng ban Hạ tầng thiết bị Công ty cổ phần Dệt may Trần Hiệp Thành chia sẻ: “Các lộ trình này đòi hỏi doanh nghiệp có sự đầu tư khi phải thay đổi máy móc, thiết bị, tìm nguồn nguyên liệu mang tính tự nhiên hơn. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà với cơ cấu giám sát chi phí, Trần Hiệp Thành đã thành công trong việc sử dụng 80% nhiên liệu xanh hóa và sử dụng 30 - 35% nguyên liệu tái chế được”.

Cơ hội luôn đi kèm thách thức

Nhờ đi sớm hơn, một số doanh nghiệp dệt may khi chuyển đổi sang xu hướng xanh hóa sản xuất, đã thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, giữ được đơn hàng cũ và ký kết được các đơn hàng mới.

Ông Lê Văn Linh cho hay, nhu cầu về sản phẩm xanh xuất phát từ châu Âu khá lớn, do người tiêu dùng các quốc gia này rất quan tâm đến việc phát triển bền vững, từ đó yêu cầu các nhãn hàng đối tác phải cập nhật xu hướng và doanh nghiệp sản xuất phải thay đổi. “Khoảng 67% các đối tác tại châu Âu của Trần Hiệp Thành đã tăng sự quan tâm và đặt hàng sản phẩm xanh trong tổng 50% các đơn hàng xuất khẩu ở thị trường này. Nhờ đó, doanh nghiệp vẫn duy trì được 70% công suất sản xuất tại nhà máy”, ông Linh thông tin.

Về phía Trung Quy, sau khi đơn hàng truyền thống sụt giảm khoảng 30%, doanh nghiệp nhận được một số đơn hàng về sản phẩm xanh, nhưng các đơn hàng này chỉ bù đắp cho việc thiếu hụt hiện nay, chứ chưa có sự bùng nổ.

Theo ông Trần Văn Quy, sản xuất xanh phải nằm trong một chuỗi tuần hoàn từ nguyên phụ liệu, vải, sợi đến thành phẩm. “Khi nằm trong một chuỗi, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể quảng cáo, truyền thông về sản phẩm xanh một cách tốt nhất. Có thể nói, đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác, nhưng vòng tuần hoàn này đang bị ảnh hưởng khi nhà máy may mang tính xanh tại Việt Nam còn quá ít”, ông Quy chia sẻ.

Đó cũng là lý do khi các thị trường như Mỹ, châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm mang tính xanh, sẽ đem đến thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt. Nguyên nhân một phần là tình hình kinh tế đang gặp khó khăn, doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng và không đủ nguồn lực để đầu tư, đổi mới; một phần là nhiều doanh nghiệp dệt may của Bangladesh cũng đã nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Ông Mạc Văn Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Song King cho hay: “Sử dụng nguyên liệu xanh thì giá đầu vào thường cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống. Từ đó, sản phẩm đưa ra thị trường có sự cạnh tranh về giá rất lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt”.

Ngoài ra, với một số nhà máy chưa có sự chuẩn bị trước, việc chuyển đổi xanh từ đầu trong giai đoạn hiện nay sẽ rất khó khăn, vì chứng chỉ xanh không đơn giản là vấn đề về môi trường, mà còn phụ thuộc đến 50 chỉ tiêu khác như con người, hệ thống quản lý…

Do đó, theo các doanh nghiệp, mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xanh, bền vững của ngành dệt may Việt Nam. Mô hình này cần được nhìn nhận ở cả chuỗi giá trị, từ sản xuất, nguồn nguyên vật liệu đến khâu tiêu thụ… và được đẩy mạnh hơn khi tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm rất khó để dự đoán.

Hoài Sương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục