Xăng dầu giảm giá và câu chuyện lợi ích

Giá xăng dầu ở thị trường trong nước vừa thêm một lần giảm giá. Đây được xem là động thái tích cực, nhưng những đòi hỏi về việc giá xăng giảm tương ứng với giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục được đặt ra, bởi có như vậy, nền kinh tế mới thực sự được hưởng lợi.
Việc dầu giảm giá mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam Việc dầu giảm giá mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam

Giá xăng dầu giảm sẽ là tác nhân quan trọng có thể đẩy lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp xuống mức thấp hơn. Thực tế cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 8/2015 đã giảm 0,07% so với tháng trước đó và tăng 0,61% so với tháng 12/2014 một phần là do giá xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm tới hai lần (các ngày 20/7 và 04/8) trong kỳ tính CPI tháng 8.

Giá xăng dầu giảm, lạm phát thấp là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất giảm chi phí đầu vào, bởi xăng dầu là mặt hàng đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.    

Khi giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh trong những ngày cuối tháng 8, không chỉ nhiều cơ quan quản lý nhà nước, mà các chuyên gia kinh tế cũng cùng quan điểm rằng, giá dầu giảm tuy ảnh hưởng tới khoản thu ngân sách trực tiếp từ xuất khẩu dầu thô, nhưng về tổng thể, Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn.

Khi chi phí đầu vào giảm, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao hơn, nhờ vậy, thu từ các ngành kinh tế này cũng cao hơn. Giá xăng dầu giảm, người tiêu dùng hưởng lợi, ngành vận tải được lợi, những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào từ xăng dầu cũng được lợi. Hơn nữa, là một nước đang phải nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu (khoảng 6,68 triệu tấn, tương đương 3,778 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay) thì giá xăng dầu giảm sẽ có lợi cho Việt Nam, bao gồm cả trên khía cạnh ngoại tệ. Năm ngoái, cũng trong 8 tháng, Việt Nam nhập khẩu 6,178 triệu tấn xăng dầu, thấp hơn cùng kỳ năm nay, nhưng đã phải chi tới 5,822 tỷ USD.

Tất nhiên, ở chiều ngược lại, xuất khẩu dầu thô sẽ bị thiệt thòi do giá dầu giảm, nhưng trên lý thuyết và xét về tổng thể, việc giá dầu giảm giá vẫn mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam.

Mặc dù vậy, thẳng thắn mà nói, kinh tế Việt Nam chỉ thực sự có lợi một khi giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng với giá xăng dầu quốc tế. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là, giá xăng dầu trong nước hiện đã giảm tương ứng với giá xăng dầu thế giới hay chưa?

Trái với những lần trước, lần này, giá xăng dầu giảm khá mạnh, với xăng RON 92 giảm 1.198 đồng/lít; xăng E5 giảm 1.198 đồng/lít…, khiến người tiêu dùng khá hài lòng. Điều này là dễ hiểu, bởi những ngày qua, giá dầu thế giới giảm rất mạnh. Song dù thời gian gần đây, giá xăng dầu đã được điều hành khá linh hoạt, nhưng chuyện “tăng mạnh, giảm nhỏ giọt” vẫn tồn tại, khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Một điểm đáng nói nữa là dù giá xăng dầu trong nước giảm khá nhiều, nhưng nếu so sánh với giai đoạn 2008 – 2010 (là giai đoạn có mặt bằng giá dầu thô và giá thành phẩm trên thị trường Singapore tương đương hiện nay), giá bán lẻ bình quân xăng dầu trong nước 8 tháng đầu năm 2015 vẫn cao hơn 27-35% so với giá bán lẻ bình quân giai đoạn 2008-2010.

Xung quanh chuyện định giá xăng dầu trong nước, tất yếu còn phải tính đến chuyện thuế, phí, đến trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và cả yếu tố tỷ giá. Mặc dù vậy, dư luận vẫn đang đòi hỏi một sự công bằng và minh bạch hơn trong điều hành giá xăng dầu, để làm sao, người dân - doanh nghiệp và Nhà nước cùng được lợi.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục