Xác thực sinh trắc học tiếp tục “nóng” trong năm 2025

Không chỉ là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Internet, “sinh trắc học” còn là “từ khóa chủ chốt” của ngành ngân hàng trong năm 2024 và chủ đề này vẫn tiếp tục “nóng” trong năm 2025.

Sinh trắc học vẫn “nóng”

“Các ngân hàng thực hiện sinh trắc học để chống lừa đảo trực tuyến” được Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ và thông tin Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2024.

Trước đó, theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân. Nhiều ngân hàng có hơn 95% lượng giao dịch được xử lý trên kênh số... Đến tháng 10/2024, đã có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công, xấp xỉ 20%. Như vậy, vẫn còn một số lượng lớn tài khoản ngân hàng, ví điện tử cần thực hiện sinh trắc học.

Việc xác thực sinh trắc học vẫn tiếp tục “nóng” trong thời gian tới, bởi từ ngày 1/1/2025, các chủ tài khoản chưa hoàn tất việc cập nhật thông tin sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch trực tuyến.

Việc này được thực hiện theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN, ngày 28/6/2024 và Thông tư 18/2024/TT-NHNN, ngày 28/6/2024 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID). Các giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính...

Đặc biệt, theo quy định của Luật Căn cước, thì chứng minh nhân dân (CMND), bao gồm cả loại 9 số và 12 số, chỉ có giá trị sử dụng trong các thủ tục, giao dịch đến hết ngày 31/12/2024. Hiện nay, có nhiều khách hàng đang sử dụng thông tin CMND 9 số, 12 số tại ngân hàng và sẽ bị tạm dừng giao dịch từ ngày 1/1/2025.

Từ đầu tháng 10/2024 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã phát đi thông báo yêu cầu khách hàng thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân để đảm bảo tính chính chủ của tài khoản. Một số ngân hàng còn thông báo mở cửa ngoài giờ hành chính để hỗ trợ việc cập nhật sinh trắc học.

Công cụ hữu hiệu chống lừa đảo trực tuyến

Việc xác thực định danh điện tử và căn cước công dân gắn chip được coi là những lá chắn bảo mật, không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, mà còn tăng cường bảo mật, bảo đảm tính chính xác thông tin của khách hàng.

- Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học, số lượng vụ lừa đảo đã giảm 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm 72% so với trung bình 7 tháng năm 2024

“Thực hiện xác thực sinh trắc học đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBank cho hay, việc nhanh chóng hoàn tất cập nhật dữ liệu sinh trắc học là một quy định quan trọng nhằm tăng cường bảo mật, bảo đảm an toàn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính, tránh rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng. Ngân hàng sẽ liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ tầng công nghệ để hỗ trợ khách hàng thực hiện việc cập nhật sinh trắc học tiện lợi và dễ dàng nhất.

Dưới góc độ của chuyên gia an ninh mạng, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) đánh giá, việc áp dụng xác thực sinh trắc học sẽ hạn chế các tài khoản “rác”, tài khoản ảo. Nếu nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được. Đây có thể nói là công cụ rất hữu hiệu trong phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng “rác”.

Trong một diễn biến mới, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 139/CĐ-TTg, ngày 23/12/2024 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch…

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch…, đồng thời áp dụng kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch Internet banking của tài khoản doanh nghiệp; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài… Các công việc này yêu cầu hoàn thành trong quý I/2025.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục