Giao dịch lừa đảo đã giảm 50% sau một tháng áp dụng xác thực sinh trắc học

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước -NHNN) cho hay, lượng giao dịch lừa đảo trong tháng 8/2024 đã giảm 50% so với con số trung bình 7 tháng đầu năm sau khi NHNN áp dụng xác thực sinh trắc học.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/7/2024, khách hàng khi chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, sau khi áp dụng Quyết định 2345, đến nay đã có 38 triệu tài khoản ngân hàng và 1 triệu ví điện tử đã được đối chiếu sinh trắc học. Số lượng giao dịch lừa đảo qua tài khoản ngân hàng cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, lượng giao dịch lừa đảo trong tháng 8/2024 đã giảm 50% so với con số trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận được phát hiện chỉ còn 682 tài khoản, giảm 72% so với số lượng trung bình của 7 tháng đầu năm 2024.

Mục tiêu chính của NHNN khi đưa ra Quyết định 2345 là đảm bảo người thực hiện giao dịch phải là chính chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản ví, chủ thẻ, qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng lợi dụng, thuê mượn tài khoản để gian lận, lừa đảo. NHNN khẳng định, tốc độ thu thập thông tin sinh trắc học sẽ tăng lên nhanh chóng.

Theo quy định của Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, từ 1/1/2025, khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng thanh toán chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử (online) khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức). Như vậy, đến năm 2025, tất cả chủ thẻ, chủ tài khoản đều phải hoàn tất đối chiếu sinh trắc học thì mới thực hiện được giao dịch bằng phương tiện điện tử.

"Điều này không có nghĩa là tất cả giao dịch phải đối chiếu kiểm tra sinh trắc học, nhưng là điều kiện cần để đăng ký mobile banking, internet banking là khách hàng phải hoàn tất đối chiếu sinh trắc học. Việc áp dụng xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Thực tế, từ khi áp dụng Quyết định 2345 về xác thực sinh trắc học, lượng giao dịch qua Napas vẫn như trước, chứng tỏ quy định về xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng đến thanh toán không dùng tiền mặt, trải nghiệm khách hàng mà lại mang đến hiệu quả tích cực trong phòng chống lừa đảo, gian lận", ông Tuấn khẳng định.

Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm cao (A05) Bộ Công an cũng đánh giá, qua những thống kê ban đầu từ phía ngân hàng, A05 nhận thấy quy định xác thực sinh trắc học đã có tác dụng hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển tiền.

Tuy vậy, ông Bách cảnh báo, từ khi NHNN áp dụng xác thực sinh trắc học với tài khoản cá nhân, hiện nay, đối tượng lừa đảo đang chuyển đổi chiêu thức, "dụ" người dân chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp.

Cụ thể, đối tượng phạm tội lập doanh nghiệp ảo, mở tài khoản của doanh nghiệp ảo để lừa người dân chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo này. Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh đã bị lừa mua các sản phẩm làm đẹp, tham gia đầu tư qua mạng, nhận quà tặng... và chuyển tiền lừa đảo vào các tài khoản doanh nghiệp "ma" này.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục