Xác lập tầm cao mới cho quan hệ Việt Nam - Thái Lan

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác toàn diện, làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược và tạo xung lực mới đưa quan hệ Việt Nam - Thái Lan lên tầm cao mới.
May mặc là một trong những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Thái Lan hiện nay. Ảnh: Đức Thanh

Quan hệ Đối tác chiến lược phát triển tốt đẹp

Ngày mai (15/5), Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam, đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ tư, Nội các chung Việt Nam - Thái Lan, diễn ra ngày 15 - 16/5.

Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Thái Lan sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Prayut Chan-ocha năm 2014.

Kể từ khi bà Paetongtarn Shinawatra trở thành người đứng đầu Chính phủ Thái Lan (tháng 8/2024), Thủ tướng hai nước đã có những cuộc tiếp xúc, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm và chúc mừng tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra vào ngày 29/8/2024.

Hai Thủ tướng cũng đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10/2024 tại Lào. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Thái Lan tại khu vực Đông Nam Á, khẳng định mong muốn sớm phát triển quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.

Chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan diễn ra vào thời điểm hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 - 2026), quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan tiếp tục phát triển tốt đẹp, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.

Theo số liệu từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam. Trong quý I/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 5,16 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về hợp tác đầu tư, Thái Lan đứng thứ 9/144 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore), với hơn 700 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 14 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như năng lượng, văn hóa, du lịch, giáo dục… đạt nhiều kết quả thực chất. Hai nước cũng duy trì phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), cơ chế hợp tác thuộc Tiểu vùng sông Mekong…

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam.

Điểm đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra là việc hai bên sẽ nối lại hoạt động họp Nội các chung (JCR) lần thứ tư. Lần gần đây nhất, hai nước tổ chức họp Nội các chung là năm 2015 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Thái Lan. Đây là cơ chế hợp tác song phương hiếm có trên thế giới tại thời điểm hiện tại.

Dưới sự đồng chủ trì và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hai nước, hai bên sẽ rà soát, giải quyết những vấn đề đang đặt ra và xác định phương hướng hợp tác trên tất các lĩnh vực.

Về chính trị - ngoại giao, hai bên sẽ tập trung trao đổi các biện pháp tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị, trao đổi đoàn và hợp tác giữa tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và địa phương, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khung khổ ASEAN và các cơ chế Tiểu vùng Mekong.

Về kinh tế - thương mại - đầu tư, hai bên sẽ cùng rà soát tiến độ triển khai các kế hoạch, sáng kiến trong lĩnh vực này, trong đó có sáng kiến “Ba kết nối”, đồng thời thúc đẩy các biện pháp mở rộng hợp tác, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD trong thời gian tới theo hướng cân bằng, bền vững; thu hút đầu tư của Thái Lan vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam.

Về văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân, hai bên sẽ thảo luận về biện pháp kết nối giữa các địa phương, cũng như tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, tạo nền tảng xã hội bền vững cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về du lịch, đặc biệt là việc thúc đẩy kết nối hạ tầng cứng như đường không, đường bộ và đường sắt do hai nước đều có tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực du lịch. Cùng với việc các hãng hàng không hai nước mở thêm đường bay và mở rộng các kết nối đường bộ, hai bên kỳ vọng lượng khách du lịch hai chiều sẽ tăng mạnh trong thời gian tới đây.

Ngoài ra, hai bên tiếp tục xem xét khả năng triển khai hiệu quả các sáng kiến kết nối du lịch trong khu vực ASEAN nhằm thu hút khách du lịch đến từ bên ngoài khu vực và thúc đẩy cũng như thu hút khách du lịch đi lại giữa các nước, trong đó có Sáng kiến “Sáu quốc gia - Một điểm đến” của Thái Lan.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Thái Lan tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức khu vực, từ căng thẳng địa chính trị đến những bất ổn kinh tế; ưu tiên hợp tác phát triển tiểu vùng tại khu vực Đông Nam Á lục địa, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982.

Theo ông Phạm Việt Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thời gian tới, Việt Nam và Thái Lan có rất nhiều dư địa để mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực mới, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và chiến lược phát triển của mỗi nước, như chuyển đổi số và kinh tế số, năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh…

Đại sứ Phạm Việt Hùng khẳng định, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ đánh dấu một mốc quan trọng, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Thái Lan lên một tầm cao mới, giúp củng cố mạnh mẽ lòng tin chính trị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, là dịp để hai bên rà soát toàn diện các lĩnh vực hợp tác, tháo gỡ vướng mắc, thống nhất các định hướng lớn và biện pháp cụ thể, tạo xung lực mới cho hợp tác song phương trong thời gian tới.

Các văn kiện hợp tác dự kiến được hai bên ký kết sẽ tạo nền tảng mới cho hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng như tăng cường kết nối giữa nhân dân hai nước, góp phần củng cố vững chắc nền tảng hữu nghị và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục