Cuối năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về sai phạm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn tại CTCP Cảng Quy Nhơn. Trong đó, Thanh tra Chính phủ kết luận việc Vinalines chuyển nhượng 75,01% vốn điều lệ tại Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi chưa báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm quy định. Do đó, cơ quan này kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn do Công ty Hợp Thành nắm giữ về sở hữu Nhà nước.
Việc thu hồi cổ phần này được xem là “chưa có tiền lệ” và thu hút sự chú ý của dư luận. Thời gian qua, hàng loạt vấn đề liên quan như lo ngại pha loãng cổ phiếu khi Cảng Quy Nhơn định tổ chức ĐHCĐ, tăng vốn điều lệ trước khi bàn giao cổ phần, hay việc chốt số tiền trả cho Công ty Hợp Thành để thu hồi cổ phần Cảng Quy Nhơn khiến dư luận quan tâm mổ xẻ.
Gần đây, Vinalines xác nhận đã thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn sau khi trả cho Công ty Hợp Thành số tiền 415 tỷ đồng, bằng số tiền nhà đầu tư này bỏ ra để nắm giữ quyền chi phối trước đó. Đến nay, Vinalines đã thu hồi cổ phần, thay đổi đăng ký kinh doanh, tiến hành ĐHCĐ và bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban Kiểm soát của Cảng Quy Nhơn.
Tuy nhiên, việc hạch toán giá trị phần vốn Nhà nước của Vinalines tại đây vẫn chưa thực hiện xong. Báo cáo gần đây của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn về việc hạch toán giá trị phần vốn Nhà nước do thu hồi cổ phần theo quyết định của Thanh tra Chính phủ.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, việc xác định giá trị phần vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn chưa thực hiện xong liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm thu hồi lại cổ phần so với thời điểm thực hiện IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ có đề cập đến việc tính toán lợi ích của nhà đầu tư đã đóng góp vào Cảng Quy Nhơn trong giai đoạn tham gia quản trị, song việc này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, xây dựng phương pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Được biết, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ Tài chính hướng dẫn về việc hạch toán giá trị phần vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.
Theo một chuyên gia tư vấn tài chính doanh nghiệp, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp là cơ sở xác định quy mô vốn điều lệ để sau đó tiến hành IPO, ĐHCĐ lần đầu và đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, giai đoạn từ thời điểm chốt xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm có giấy phép đăng ký kinh doanh mới để chuyển mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần vẫn còn vướng mắc bởi các hoạt động đầu tư tài sản hoặc giá trị bàn giao có sai sót.
Về nguyên tắc, khi doanh nghiệp nhà nước chuyển sang mô hình công ty cổ phần thì phải định giá lại giá trị doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển giao, có thể có khoản đầu tư ra bên ngoài gây thiệt hại, hoặc các khoản đầu tư chưa xác định như đầu tư xây dựng cơ bản dở dang..., dẫn đến đơn vị kiểm toán không xác định được giá trị nguyên giá. Trong trường hợp này, có thể hạch toán theo sổ sách hoặc theo giá trị dự toán của Nhà nước, nhưng cần có đơn vị có thẩm quyền quyết định.
Nếu quá trình này có những kết luận của thanh tra, kiểm toán về sai phạm thì sẽ phức tạp hơn, các khoản chưa xác định sẽ bị “treo” cho đến khi có đơn vị có thẩm quyền “chốt”. Trong trường hợp của Cảng Quy Nhơn, kể từ khi hơn 75% vốn ở trong tay cổ đông Hợp Thành, tài sản của doanh nghiệp có gì biến động, các hoạt động đầu tư đúng hay chưa đúng quy định, điều này ảnh hưởng gì đến việc xác định vốn tại Cảng Quy Nhơn… vẫn là những câu hỏi ngỏ. Các cổ đông của doanh nghiệp đang nóng lòng chờ hướng dẫn và thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng.