
Cấp bách bổ sung quy định xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Dự thảo luật là bổ sung các quy định liên quan trách nhiệm thu thập, lưu trữ, cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). Về tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, Dự thảo quy định giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, việc bổ sung quy định là rất cần thiết để Việt Nam thực hiện cam kết chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tăng sự minh bạch về hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, đại biểu đề nghị, cần có tiêu chí rõ ràng để xác định chính xác người có quyền sở hữu doanh nghiệp hoặc người kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong thực tế.
Tuy vậy, đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình cho rằng, quy định như Dự thảo là hợp lý, bởi tiêu chí xác định chủ sở hữu doanh nghiệp là nhóm quy định hết sức kỹ thuật, có thể thay đổi theo thời gian, tùy vào yêu cầu của các tổ chức quốc tế, nên giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp.
Nhiều đại biểu cũng tán thành giao Chính phủ xác định tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp như Dự thảo. Tuy vậy, các đại biểu cũng lưu ý, đây là vấn đề khó và tiêu chí cần rõ ràng để doanh nghiệp dễ thực hiện.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), trước mắt, chỉ nên áp dụng chế tài xử phạt với những trường hợp đã xác định rõ ràng về sở hữu (như quan hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn trở lên). Còn với các trường hợp mà tiêu chí mang tính chất định tính (như cá nhân có quyền chi phối), thì trước mắt, không xử phạt khi doanh nghiệp khai báo không đầy đủ. Việc xử phạt nên áp dụng sau khi cơ quan nhà nước có quy định hoàn thiện hơn về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị áp dụng số hóa, cơ sở dữ liệu thông tin để khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần tăng cường bảo mật thông tin để đảm bảo quyền riêng tư của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính, Việt Nam hiện là một trong 25 quốc gia/vùng lãnh thổ trong Danh sách xám của FATF. Ngày 7/3/2025, Thủ tướng Chính phủ nhận được thư của Chủ tịch FATF thông báo diễn biến mới nhất của Hội nghị toàn thể FATF. Theo đó, FATF xác nhận, Việt Nam chưa hoàn thành kế hoạch hành động và Việt Nam đã được đưa vào tài liệu công khai tại mục Các quốc gia trong quy trình giám sát tăng cường trên trang Web của FATF và chịu sự giám sát tăng cường tối thiểu 1-2 năm tới (giám sát tăng cường được hiểu là các nước đang trong Danh sách xám, đang xem xét đưa vào danh sách đen nếu không có tiến triển ở các hành động đã cam kết).
Để giảm bớt chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Việc chia sẻ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu trong quá trình triển khai kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 1/1/2021 về đăng ký doanh nghiệp để ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực. Việc cụ thể hóa quy định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại nghị định hướng dẫn sẽ được thực hiện trên cơ sở tương đồng với tiêu chuẩn của Khuyến nghị số 24 FATF, Luật Phòng chống rửa tiền và thông lệ quốc tế.
Đối với các nội dung bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính khi doanh nghiệp không thực hiện đúng nghĩa vụ thu thập, cập nhật, lưu trữ và kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, Bộ Tài chính sẽ tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính.
Kiểm soát gian lận vốn ảo, siết điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ
Về kiểm soát gian lận vốn ảo khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhiều đại biểu tán thành cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu thêm các điều kiện hay hồ sơ trong quá trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tức không “tiền kiểm” đối với vấn đề này.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), gần 3 thập kỷ thực hiện Luật Doanh nghiệp cho thấy, điều kiện thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, dễ dàng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân.
Để tránh kiểm tra tùy tiện, nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro. Theo đó, dựa trên cơ sở dữ liệu đang được xây dựng về doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, chấm điểm rủi ro và đi kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp.
Về quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty chưa đại chúng, vấn đề đang gây tranh cãi là Dự thảo bổ sung điều kiện: tỷ lệ nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành.
Một số đại biểu tán thành quy định này, song một số khác cho rằng, không nên đưa vào Luật, mà nên để Chính phủ quy định chi tiết. Trong Luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính cũng chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết, chứ không quyết định “cứng” trong luật.
Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ Tài chính cho rằng, quy định trên cơ bản không ảnh hưởng việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ các doanh nghiệp phải cơ cấu lại nợ khi đã chạm mức trần hệ số nợ do bên cạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua phát hành trên thị trường chứng khoán hoặc vay vốn ngân hàng.
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, năm 2024 có 13 doanh nghiệp phát hành (không tính các ngân hàng thương mại) có dư nợ vay trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm chào bán trái phiếu doanh nghiệp trên 5 lần vốn chủ sở hữu. Do đó, quy định này không ảnh hưởng đến quá nhiều doanh nghiệp và toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Đánh giá cao quy định này, song nhiều đại biểu góp ý, cơ quan soạn thảo cần rà soát để thống nhất với Luật Nhà giáo, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty chưa đại chúng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả của tổ chức phát hành không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Hồi âm ý kiến đại biểu về nội dung này tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, quy định này xuất phát từ thực tiễn Việt Nam thời gian qua, một số doanh nghiệp lợi dụng phát hành lượng trái phiếu lớn, sau đó đã xảy ra vỡ nợ. Do đó, việc quy định đòn bẩy tài chính để kiểm soát là rất cần thiết. Trong khu vực châu Á, nhiều quốc gia không áp dụng quy định này, song phần lớn các nước không áp dụng quy định là những nước có hệ thông thông tin về doanh nghiệp cực kỳ minh bạch hoặc có nhiều công cụ để kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Việt Nam chưa có đủ công cụ để kiểm soát, nên việc đưa ra quy định này là cần thiết. Trước khi đưa ra quy định này, Bộ Tài chính cũng đã tham khảo ý kiến của các bộ, ngành cũng như các thành viên thị trường (ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư…).