Con chim bị chôn vùi và đông cứng trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu gần làng Belaya Gora ở đông bắc Siberia.
Giáo sư tiến hóa di truyền học, Love Dalén đến từ Thụy Điển cho biết, nhóm của anh bao gồm những thợ săn ngà voi hóa thạch ở địa phương đã vô tình phát hiện ra mẫu xác chim này khi đang khảo sát đường hầm băng tại Siberia.
Ban đầu, giáo sư Dalén chỉ nghĩ đơn giản đây là xác của một chú chim xấu số vô tình bị chết vì bị lạc trong đường hầm.
Tuy nhiên, đến khi những người thợ săn tiết lộ, xác con chim này được họ thu thập được từ tận bên trong lớp băng vĩnh cửu, giáo sư đã vô cùng sửng sốt.
Kết quả xác định niên đại bằng phóng xạ carbon hé lộ con chim sống cách đây khoảng 46.000 năm. Phân tích di truyền cho thấy nó thuộc loài chim rừng có sừng (Eremophila alpestris), theo nghiên cứu công bố hôm 21/2 trên tạp chí Communications Biology.
Nhìn qua, ai cũng tưởng như xác chim này vừa mới chết khi tình trạng gần như nguyên vẹn.
Nicolas Dussex, đồng tác giả của bài báo cho biết đây có lẽ là xác chim lâu đời nhất từ trước đến nay được phát hiện, và nó có niên đại từ thời kỳ cuối của kỷ Băng Hà.
Giải thích về lý do tại sao xác con chim này có thể giữ nguyên vẹn sau hàng chục nghìn năm như vậy. "Thực tế một mẫu vật nhỏ và dễ hư hỏng như vậy gần như nguyên vẹn chứng tỏ đất bùn lắng đọng từ từ, hoặc ít nhất lớp đất tương đối ổn định. Nhờ đó, xác con chim được bảo quản trong trạng thái rất gần thời điểm nó chết.", giáo sư Dalén nói.
Hiện tại, ngoài tên gọi "chim băng" ra thì các nhà khoa học vẫn chưa nghĩ ra cách gọi phù hợp dành cho mẫu xác chim này.
Bước tiếp theo của nghiên cứu là giải trình tự toàn bộ hệ gene của con chim. Theo nhóm nghiên cứu, điều này sẽ hé lộ nhiều thông tin hơn về quan hệ của nó với các phân loài ngày nay và giúp ước tính tốc độ tiến hóa ở chim rừng.