"Trung Quốc đã yêu cầu WTO tổ chức các cuộc tham vấn về tranh chấp với Mỹ liên quan đến thuế quan bổ sung mà Mỹ bắt đầu thực hiện vào ngày 1/9 đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc", tuyên bố được gửi đến các thành viên của WTO ngày 4/9 viết.
"Trung Quốc tuyên bố rằng, thuế quan mà Mỹ áp đặt không tuân thủ Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1994 và họ (Mỹ - PV) chỉ áp dụng thuế này lên hàng hóa của Trung Quốc", cơ quan báo chí của WTO giải thích.
Việc nộp đơn kiện của Bắc Kinh đồng nghĩa với việc chính thức khởi xướng một cuộc tranh chấp thương mại. Các bên sẽ có 60 ngày để tìm tiếng nói chung tại các cuộc tham vấn song phương trong khuôn khổ WTO.
Nếu không thể đạt được thỏa hiệp, Trung Quốc có thể yêu cầu thành lập một nhóm trọng tài gồm ba trọng tài được chỉ định. Theo quy định của WTO, nhóm trọng tài phải đưa ra quyết định cho tranh chấp trong vòng 6 - 9 tháng.
Bắt đầu từ ngày 1/9, Mỹ đã áp 15% thuế bổ sung đối với hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 112 tỷ USD. Đợt thuế quan bổ sung tiếp theo sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12.
Cùng ngày, Bắc Kinh có câu trả lời bằng việc áp thêm 10% thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa nhập nhẩu từ Mỹ. Đợt áp thuế thứ hai với mức 5% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12. Cũng vào ngày này, Trung Quốc sẽ áp thuế bổ sung lần lượt là 25% và 5% đối với ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ.
Vụ kiện Mỹ lên WTO của Trung Quốc được công bố vào ngày 2/9 tại Bắc Kinh không phải là lần đầu kể từ khi WTO được tạo ra vào năm 1995. Vào thời điểm hiện tại, vẫn đang có hai vụ kiện của Trung Quốc chống lại Mỹ và một vụ kiện mà Mỹ chống lại Trung Quốc về các vấn đề thương mại khác nhau được xem xét.
Thực tiễn cho thấy việc xem xét các vụ kiện đưa lên WTO có thể mất nhiều năm, vì các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu họ không hài lòng với quyết định của nhóm trọng tài.