WHO: Dựa hoàn toàn vào vaccine khiến các nước bị thiệt hại

0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, vaccine kháng Covid-19 không phải giải pháp triệt để lúc này và việc chỉ dựa vào vaccine để chống dịch đã khiến các quốc gia bị thiệt hại.
Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO. Ảnh: AFP Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO. Ảnh: AFP

Một số quốc gia ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ gần đây ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng đột biến vì "không thành công trong việc phá vỡ chuỗi lây nhiễm ở cộng đồng hoặc tại các hộ gia đình", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong cuộc họp báo mới đây tại trụ sở Geneva, Thụy Sĩ.

Thế giới đến nay ghi nhận 2 triệu người tử vong vì Covid-19, còn các biến chủng Covid-19 mới đã lan sang nhiều quốc gia. Các nhà lãnh đạo thế giới cần làm tất cả những gì có thể để hạn chế số ca nhiễm "thông qua các biện pháp y tế cộng đồng đã được thử nghiệm và kiểm nghiệm", ông Tedros kêu gọi.

"Chỉ còn một cách thoát duy nhất khỏi cơn bão này là chia sẻ những công cụ chúng ta có trong tay và cam kết cùng nhau sử dụng chúng", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, đã có 93,3 triệu người trên thế giới bị nhiễm Covid-19 và ít nhất 2 triệu người tử vong vì virus này.

WHO cảnh báo, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ở một số quốc gia và nguồn cung cấp oxy cho bệnh nhân Covid-19 ở các nước này đang xuống thấp "ở một mức nguy hiểm".

Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, đã quá tập trung nhiều vào việc sử dụng vaccine để ngăn chăn sự bùng phát của Covid-19. Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho rằng dù vaccine là một công cụ hữu ích trong chống dịch, nhưng chỉ trông chờ vào vaccine sẽ không thể chấm dứt được đại dịch.

"Chúng tôi đã cảnh báo trong năm 2020 rằng nếu phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine và xem đó là giải pháp duy nhất, chúng ta có thể bỏ lỡ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ ở thời điểm đó. Và tôi nghĩ ở một chừng mực nào đó, thì điều này đã trở thành hiện thực", ông Ryan nói. Theo lý giải của chuyên gia này, không khí lạnh và những ngày lễ gần đây có thể là những tác nhân khiến Covid-19 lân lan nhanh hơn.

Ông Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của Tổng giám đốc WHO, cũng khẳng định rằng vaccine không phải giải pháp triệt để. "Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn, con số (số ca nhiễm và tử vong) có thể tăng lên", chuyên gia này cảnh báo.

"Chúng ta có vaccine, đúng vậy. Nhưng nguồn cung vaccine bị hạn chế và được triển khai dần trên thế giới. Vaccine không phải giải pháp hoàn hảo. Chúng không bảo vệ mọi người trước mọi tình huống", ông Aylward lưu ý.

Tại Mỹ, tốc độ tiêm vaccine đang chậm lại so với dự kiến của giới chức nước này. Tính đến 6 giờ sáng 15/1 theo giờ miền Đông Bắc Mỹ, hơn 31,1 triệu liều vaccine đã được phân phối khắp nước Mỹ, nhưng chỉ có hơn 12,2 triệu mũi đã được tiêm, theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Trong khi đó, số ca nhiễm tại Mỹ vẫn đang tăng nhanh. Trong 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận ít nhất 238.800 ca nhiễm Covid-19 mới và ít nhất 3.310 ca tử vong mỗi ngày, theo số liệu bình quân được tổng hợp từ Đại học Johns Hopkins.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden hôm 14/1 công bố "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" với quy mô 1.900 tỷ USD, trong đó đề ra nhiều biện pháp ngăn đại dịch lan rộng thêm tại nước này. Cùng với hàng tỷ USD đổ vào chiến dịch vaccine, chính quyền ông Bien cũng sẽ mở rộng quy mô xét nghiệm, đầu tư vào các phương pháp điều trị mới, và tiến hành xác định các biến chủng mới.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục