WFP cảnh báo hậu quả khi nguồn cung ngũ cốc từ Nga, Ukraine bị ngừng

0:00 / 0:00
0:00
Theo Giám đốc WFP, việc không xem xét lại sáng kiến cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng bị Nga phong tỏa sẽ là thảm họa khi hàng triệu người ở châu Phi đang trên bờ vực của nạn đói.
Chuyển lúa mỳ lên tàu tại cảng quốc tế Rostov-on-Don, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN). Chuyển lúa mỳ lên tàu tại cảng quốc tế Rostov-on-Don, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley ngày 18/2 cảnh báo việc không xem xét lại sáng kiến được Liên hợp quốc hậu thuẫn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng bị Nga phong tỏa sẽ là thảm họa khi hàng triệu người ở châu Phi đang trên bờ vực của nạn đói.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị An ninh Munich, ông David Beasley cho biết nguồn ngũ cốc hiện tại theo sáng kiến này vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của các nước nghèo hơn.

Ông David Beasley cho rằng việc nối lại các cuộc đàm phán gia hạn Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, dự kiến trong một tuần tới là rất quan trọng. Ông nói: “Với tất cả các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt trên khắp thế giới như biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ quét, chúng ta không thể để Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen thất bại."

Thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái đã cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ 3 cảng của Ukraine.

Việc tháng 11 năm ngoái, Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine liên quan đến cuộc xung đột đe dọa gây ra những “hậu quả thảm khốc” cho các nước nghèo.

Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và sẽ được gia hạn một lần nữa vào tháng 3 năm nay, nhưng Nga đã phát đi tín hiệu rằng họ không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận và đã yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của nước này.

Ông Beasley cảnh báo rằng việc Moskva đóng cửa các hải cảng sẽ là thảm họa, đặc biệt là với châu Phi, nơi 50 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói.

Ông nhấn mạnh: “Giá lương thực, chi phí nhiên liệu, lạm phát, nợ cùng với gần 3 năm đại dịch COVID-19... đã khiến người dân không còn khả năng đối phó và nếu chúng ta không tham gia và giảm chi phí thì năm 2024 có thể là năm tồi tệ nhất mà chúng ta đã chứng kiến trong hàng trăm năm."

Trong khi đó, đề cập đến chiến dịch cứu trợ hậu quả sau thảm họa động đất vừa qua, người đứng đầu WFP cũng gây sức ép yêu cầu giới chức ở Tây Bắc Syria chấm dứt việc ngăn chặn tiếp cận khu vực mà WFP đang tìm cách hỗ trợ hàng trăm nghìn người gặp nạn sau thảm họa động đất kinh hoàng.

Tuần trước, WFP thông báo đã sắp hết hàng dự trữ ở Tây Bắc Syria và kêu gọi mở thêm các cửa khẩu biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông David Beasley, Chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác rất tốt, nhưng hoạt động của WFP đang bị cản trở ở Tây Bắc Syria, nơi chính quyền không cho phép tiếp cận. Ông David Beasley nói: “Nếu không được khắc phục ngay lập tức, điều đó đang cản trở hoạt động cứu trợ của chúng tôi."

Ông Beasley cho biết sự tàn phá nhà cửa và cơ sở hạ tầng quan trọng có nghĩa là những người sống sót sẽ cần được giúp đỡ trong nhiều tháng tới, nhưng hiện WFP chỉ còn tiền đủ để cứu trợ trong khoảng 60 ngày.

Ông khẳng định: “Thời gian không còn nhiều. Riêng hoạt động ứng phó với động đất, WFP tiêu tốn khoảng 50 triệu USD/tháng. Nếu châu Âu không muốn có một làn sóng người tị nạn mới, đồng nghĩa với việc WFP phải nhận được sự hỗ trợ cần thiết."

Theo kế hoạch, WFP, hợp tác với Tổ chức các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ (YPO), sẽ đồng tổ chức một đêm chào hàng tại một sự kiện bên lề chính thức trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich 2023. Theo đó, 8 công ty khởi nghiệp sẽ giới thiệu những đổi mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu cho các nhà tài trợ tiềm năng, quan chức chính phủ, lãnh đạo ngành, đối tác địa phương và quốc tế. Ngoài ra, những doanh nhân xã hội này sẽ có cơ hội nhận được 100.000 USD tài trợ, cố vấn và tiếp cận với mạng lưới đối tác toàn cầu của WFP và các hoạt động thực địa tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Khi thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có với gần 350 triệu người lâm vào nạn đói, những đổi mới chưa bao giờ cần thiết hơn lúc này.

Trong nghiên cứu chung với Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), WFP đã phát hiện có tới 828 triệu người, hơn 1/10 dân số thế giới vẫn phải đi ngủ với cái bụng đói mỗi đêm.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục