Nguồn cung lương thực thế giới gặp rủi ro khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự rút lui của Nga khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian có thể sẽ tác động tới các chuyến hàng đến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và làm tăng giá lương thực.
Một con tàu chở ngũ cốc chờ ra khơi từ cảng Odesa ở Ukraine Một con tàu chở ngũ cốc chờ ra khơi từ cảng Odesa ở Ukraine

Hai công ty kinh doanh hàng hóa Singapore cho biết, hàng trăm nghìn tấn lúa mì đã được đặt trước để giao cho châu Phi và Trung Đông đang gặp rủi ro sau khi Nga rút lui khỏi thỏa thuận, trong khi xuất khẩu ngô của Ukraine sang châu Âu sẽ giảm xuống.

Hôm thứ Bảy (29/10), Nga đã rút lui khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Liên hợp quốc “vô thời hạn" sau khi Nga cho biết đã một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào hạm đội Biển Đen của họ ở Crimea.

Giá lúa mì Chicago tương lai hôm thứ Hai (31/10) đã tăng hơn 5% và ngô tăng hơn 2% do lo ngại về nguồn cung.

Đầu năm nay, giá lúa mì toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục và giá ngô đạt mức cao nhất trong 10 năm do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, thời tiết bất lợi và nguồn cung bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Các công ty kinh doanh hàng hóa cho biết, Úc với vai trò là nhà cung cấp lúa mì quan trọng cho châu Á khó có thể lấp đầy bất kỳ khoảng trống cung cấp nào với các vị đơn hàng đã được đặt trước đến tháng 2.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã thúc đẩy thực hiện thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và đã đồng ý về kế hoạch trung chuyển cho 16 tàu vào ngày thứ Hai (31/10) bất chấp sự rút lui của Nga.

"Chúng tôi phải xem tình hình diễn biến như thế nào. Không rõ Ukraine có tiếp tục vận chuyển ngũ cốc hay không và điều gì sẽ xảy ra với hàng xuất khẩu của Nga", nhà kinh doanh ngũ cốc có trụ sở tại Singapore cho biết.

Những quốc gia châu Á nhập khẩu lúa mì của Ukraine gồm có Indonesia, đây là nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn thứ hai thế giới, mặc dù châu Á thường phụ thuộc nguồn cung từ vào Úc và Bắc Mỹ.

Trong các giao dịch gần đây, các nhà máy xay xát của Indonesia đã mua 4 chuyến hàng tương đương khoảng 200.000 tấn lúa mì Ukraine cho chuyến hàng giao tháng 11 trong các giao dịch được ký kết trong vài tuần qua. Một số nhà máy thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã mua lúa mì của Ukraine cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Tuần trước, một cơ quan chính phủ ở Pakistan đã mua khoảng 385.000 tấn lúa mì trong một cuộc đấu thầu có thể có nguồn gốc từ Nga và Ukraine.

"Chúng tôi không chắc liệu Nga có tiếp tục xuất khẩu lúa mì hay không hay các tàu chở lúa mì Nga vận chuyển từ Biển Đen vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi việc xuất khẩu của Ukraine vẫn bị chặn", một công ty kinh doanh hàng hóa có trụ sở tại Singapore cho biết.

Xuất khẩu ngô của Ukraine sang châu Âu đặt trước cho tháng 11 cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Quyết định của Nga được cho là sẽ hỗ trợ giá dầu thực vật thế giới vì động thái này đe dọa xuất khẩu dầu hướng dương của Ukraine sang các thị trường chính, bao gồm cả nước nhập khẩu dầu ăn hàng đầu là Ấn Độ.

Mặc dù giá hàng hóa nông sản toàn cầu đã giảm từ mức kỷ lục trong những tháng gần đây, nhưng giá thực phẩm bán lẻ hiện vẫn ở mức cao và còn tiếp tục tăng.

"Thông thường, phải mất khoảng hai tháng để giá ngũ cốc cao hơn chạy qua chuỗi cung ứng và tác động đến người tiêu dùng ở cấp độ bán lẻ", một công ty phân tích có trụ sở tại Sydney cho biết.

Theo thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian, một Trung tâm Điều phối chung (JCC) gồm các quan chức Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đồng ý về việc di chuyển các tàu và kiểm tra các tàu. Hơn 9,5 triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất khẩu từ Biển Đen kể từ tháng 7.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục