WB: Yêu cầu người dân ở nhà là ổn, nhưng ở nhà không có thu nhập thì cần có chính sách hỗ trợ

(ĐTCK) Đánh giá cao về các chính sách mà Việt Nam đang hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mùa dịch, Ngân hàng Thế giới cho rằng cần có thêm các biện pháp đảm bảo cho người nghèo, tập trung ở khu vực kinh tế phi chính thức.  
WB đang cùng Chính phủ suy nghĩ làm sao phải có biện pháp đảm bảo cho người nghèo, tập trung ở khu vực kinh tế phi chính thức. (ảnh: Lê Toàn) WB đang cùng Chính phủ suy nghĩ làm sao phải có biện pháp đảm bảo cho người nghèo, tập trung ở khu vực kinh tế phi chính thức. (ảnh: Lê Toàn)

Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam vẫn đang nghiêng về chính sách tiền tệ từ phía NHNN. Điều này được thể hiện bằng các chính sách liên quan đến lãi suất chính sách, nới lỏng một số dòng tín dụng, hay giãn, hoãn, trả nợ. Tất cả các chính sách đó giúp doanh nghiệp và người dân giải quyết được việc thiếu ngân quỹ trước mắt và rất hợp lý, đúng hướng.

Tuy nhiên, chính sách này chưa giúp được nhiều cho những người ở khu vực kinh tế phi chính thức mặc dù họ có thể được hưởng lợi gián tiếp khi các doanh nghiệp ở khu vực chính thức làm ăn tốt sẽ duy trì được kinh doanh và lan toả lợi ích.

 Nhận định trên được ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng WB chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong đại dịch Covid-19, tại buổi công bố Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19 của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày hôm qua (31/1).

WB: Yêu cầu người dân ở nhà là ổn, nhưng ở nhà không có thu nhập thì cần có chính sách hỗ trợ  ảnh 1

Họp báo trực tuyến tại WB ngày 31/3

Theo ông Jacques Morisset, Chính phủ Việt Nam đã có bước đi đúng hướng khi đẩy mạnh đầu tư công. Thực tế vài năm qua, Việt Nam đầu tư công hơi chậm nên bây giờ có dư địa để đẩy mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, Việt Nam còn đẩy mạnh chi ngân sách; áp dụng biện pháp đấu thầu điện tử; phân bổ ngân sách nhanh hơn nữa cho các cơ quan ban ngành, địa phương, ưu tiên dự án lớn được thuận lợi hơn…

“Dự án lớn có cái hay là đem lại tác động số nhân, tạo rất nhiều việc làm, đẩy cung nhiều, lan toả ra các khu vực khác trong nền kinh tế”, ông Jacques Morisset nhấn mạnh.

Cũng theo ông Jacques Morisset, dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ kinh tế đối ngoại. Khu vực này chịu ảnh hưởng tới 2 lần: từ Việt Nam và các nước còn lại trên thế giới.

Tăng tưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 đạt 3,8%, đây là tốc độ thấp hơn so với mọi năm nhưng điều đáng mừng là cao hơn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

“Điều này cho thấy, một số lĩnh vực, ngành có khả năng chống chịu rất tốt như chế tạo chế biến, xây dựng. Ngành tài chính cũng chống chịu tốt và có chính sách phù hợp. Đầu tư đang được đẩy mạnh, nhất là đầu tư công”, ông Jacques Morisset nói.

Trên kịch bản cơ sở, WB dự báo kinh tế sẽ hồi phục khoảng từ giữa quý III trở đi và tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt khoảng 5%. Trong trường hợp xấu, dịch bệnh kéo dài đến cuối năm 2020, GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 1,9%.

Ông Jacques Morisset tiết lộ, WB đang bàn với Chính phủ một chiến lược bao gồm 4 bước:

Thứ nhất, giải quyết cho những khu vực chịu ảnh hưởng trước mắt bao gồm cả doanh nghiệp và người dân. WB rất đồng tình với Chính phủ khi triển khai những gói cứu trợ như giãn, hoãn nộp thuế, hỗ trợ trả nợ vay, gói hỗ trợ cho người mất việc làm…

WB đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động phi chính thức chịu ảnh hưởng nhiều nhất và đang cùng Chính phủ suy nghĩ làm sao phải có biện pháp đảm bảo cho người nghèo, tập trung ở khu vực kinh tế phi chính thức. 

“Yêu cầu người dân ở nhà về chính sách và y tế là ổn. Tuy nhiên, phải giúp mọi người khi ở nhà không có thu nhập. Nên việc hỗ trợ tài chính cho mọi người khi ở nhà không những chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về sức khoẻ để yên tâm ở nhà”, ông Jacques Morisset nói.

Thứ hai, để thoát khỏi khủng hoảng. Chính phủ phải có những gói kích thích, tái kích hoạt, khởi động lại nền kinh tế như đẩy nhanh triển khai giải ngân các dự án đầu tư công hiện có, kích thích nhu cầu đầu tư của tư nhân trong ngành du lịch, dịch vụ...

Thứ ba, tận dụng cuộc cách mạng kỹ thuật số để biến khủng hoảng là cơ hội. Chính phủ đẩy mạnh số hóa, hiện đại hóa nền kinh tế bằng cách phát triển công nghệ như những dịch vụ học tập trực tuyến, tài chính trực tuyến, đẩy mạnh Chính phủ điện tử để các thủ tục hành chính có thể tiến hành nhanh gọn, thuận tiện qua internet.

Thứ tư, chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Dịch bệnh hoàn toàn có khả năng tái diễn nên cần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.

WB: Yêu cầu người dân ở nhà là ổn, nhưng ở nhà không có thu nhập thì cần có chính sách hỗ trợ  ảnh 2

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam trong buổi họp báo trực tuyến của WB ngày 31/3

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam thông tin thêm: “WB có cơ chế giải ngân nhanh cho đại dịch Covid-19 có thể thực hiện trong vòng 2 tuần và dành được 50 triệu USD trong lĩnh vực y tế.

WB sẵn sàng gói tài chính để hỗ trợ khôi phục nền kinh tế, theo đó, WB đã có sẵn gói 150 tỷ USD có thể hoà vào ngân sách sách Chính phủ. Hiện WB sẵn sàng 500 triệu USD cho Việt Nam hồi phục nền kinh tế".

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục