WB: Việt Nam cần nâng cao khả năng thích ứng biến đổi với khí hậu của nền kinh tế và tài chính công

(ĐTCK) Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới tháng 11/2020 vừa công bố nhận định, Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch tại địa phương.

Tính đến ngày 8/11, Việt Nam đã ghi nhận 1.213 ca nhiễm Covid- 19 và chỉ có 35 ca tử vong. Trong những tuần vừa qua, tất cả các ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tuy nhiên, thiệt hại về kinh tế do các cơn bão gần đây gây ra ước tính lên tới 29.300 tỷ đồng (1,3 tỷ USD).

Từ đầu tháng 10 đến nay, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão gây mưa lớn và kéo dài, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích. Ước tính có khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng, và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy.

Sự phục hồi kinh tế tiếp tục được củng cố trong tháng 10

Theo WB, sự phục hồi thể hiện trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng gần bằng giai đoạn trước dịch COVID-19.

Cả hoạt động sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong tháng 10 kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 2.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (không được điều chỉnh theo mùa - NSA) và doanh số bán lẻ hàng hóa (điều chỉnh theo mùa - SA) lần lượt tăng 6,6% và 6,7%, so với cùng kỳ năm trước (Hình 1 và Hình 2).

Hóa chất và dược phẩm, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại, thiết bị và đồ nội thất, sản xuất và chế biến thực phẩm là những lĩnh vực đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam ở mức 51,8 trong tháng 10. Chỉ số này đo lường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và được lấy từ cuộc khảo sát 400 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực này.

Theo WB, doanh số bán lẻ chủ yếu tăng do nhu cầu trong nước, trong khi lĩnh vực du lịch và lữ hành chưa có dấu hiệu phục hồi.

Doanh số bán lẻ hàng hóa 10 tháng đầu năm 2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,4%; đồ dùng, dụng cụ và thiết bị gia đình tăng 6,3%; và quần áo tăng 1,6%.

Mặt khác, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm lần lượt 30% và 80% trong 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Du lịch quốc tế vẫn còn chịu nhiều hạn chế, làm lượng khách du lịch nước ngoài giảm 73,8% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.

Thặng dư thương mại hàng hóa tiếp tục tăng kỷ lục nhờ hàng xuất khẩu sang Mỹ

Thặng dư thương mại hàng hóa (SA) trong 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt mức kỷ lục 17,7 tỷ USD, được củng cố bởi thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 10. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 9,7% và 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù giá trị xuất khẩu của các mặt hàng như điện thoại, dệt may, giày dép và các sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh, xuất khẩu máy tính và điện tử vẫn tăng trưởng vững chắc trong bối cảnh khủng hoảng do dịch COVID-19.

Hoạt động thương mại có sự khác biệt đáng kể giữa các nước đối tác. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng mạnh ở mức trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cũng tăng đối với thị trường Trung Quốc, nhưng lại giảm đối với các nước EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tương tự, nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và EU tăng, nhưng lại giảm từ tất cả các nước đối tác chính khác (Hàn Quốc, ASEAN và Hoa Kỳ).

Dòng vốn FDI vào Việt Nam gia tăng cho thấy niềm tin vào nền kinh tế được khôi phục sau đợt bùng phát dịch vào tháng 8

Theo WB, khi làn sóng COVID-19 thứ hai được kiểm soát thành công, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng lên khoảng 2,27 tỷ USD trong tháng 10, so với 1,67 tỷ USD trong tháng 9 và 0,8 tỷ USD trong tháng 8.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật, do UNCTAD dự báo dòng vốn FDI vào các nước Đông Á sẽ giảm 30 - 45% trong năm 2020.

Lạm phát vẫn tiếp tục được giữ ổn định

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 vẫn đi ngang so với 3 tháng trước phản ánh sự ổn định trong ngắn hạn của giá thực phẩm, năng lượng và giao thông. CPI tăng 2,5% so với tháng 10/2019, chủ yếu do tăng giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống.

Vào đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5% xuống 4% và lãi suất tái chiết khấu từ 3% xuống 2,5%. Động thái này phù hợp với chính sách của Chính phủ nhằm giảm chi phí vay vốn kể từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19.

Tuy nhiên, WB cho rằng, tăng trưởng tín dụng vẫn chậm ở mức 9,6% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước và giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 10,2% của tháng 9, góp phần củng cố xu hướng giảm theo quan sát từ năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng này vẫn cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP danh nghĩa, do đó tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn đang tiếp tục tăng.

Chi tiêu công đang tăng do gói kích thích tài khoá để khôi phục kinh tế hậu Covid-19 và các chi phí dự kiến cần để tái thiết sau bão lũ

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã thay đổi quá trình thực hiện chính sách tài khóa. Tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2020 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các hoạt động kinh tế đi xuống và chính sách hoãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách tăng 9,7% so với 10 tháng đầu năm 2019. Riêng chi đầu tư công tăng 50,3% nhờ Chính phủ tích cực thúc đẩy giải ngân, từ mức 54,7% vào tháng 10/2019 lên đến mức 68,3% vào tháng 10/2020.

Đồng thời, những thiệt hại nghiêm trọng do các trận bão trong tháng 10 gây ra cho miền Trung và ngân sách cần huy động để thực hiện các hoạt động hỗ trợ và tái thiết dự kiến sẽ tạo thêm áp lực lên dư địa tài khóa vốn đang bị thu hẹp trong những tháng tới.

“Chính phủ có thể sử dụng các quỹ dự trữ tích lũy được từ trước cuộc khủng hoảng COVID-19 để bù đắp thâm hụt thu - chi ngân sách. Đồng thời, Chính phủ cũng đã tiếp tục vay lên đến 260 nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm trên thị trường trong nước. Thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước đã cho phép Kho bạc Nhà nước vay vốn với lãi suất hấp dẫn, trong đó lãi suất trung bình của Trái phiếu Kho bạc vào ngày 28/10 là 2,84%, giảm 0,29% so với tháng 9”, Báo cáo WB nhận định.

WB khuyến nghị, trong tương lai, Việt Nam cần theo dõi sát khả năng phục hồi của nền kinh tế hậu khủng hoảng Covid- 19.

Bên cạnh đó, việc loại bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội trong nước cũng như nhu cầu trong nước tăng lên nhờ tăng đầu tư công cao hơn và nới lỏng điều kiện tín dụng sẽ kích thích phát triển kinh tế trong nước; các điều kiện y tế và kinh tế đang xấu đi ở các nước khác trên thế giới có thể ảnh hưởng đến kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Ngoài ra, thiệt hại nặng nề về người và tài sản do các trận bão lũ tháng 10 cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng thích ứng biến đổi với khí hậu của nền kinh tế và tài chính công.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục