Với chủ đề “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững,” Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020 (VBS 2020) đã khai mạc vào ngày 12/11.
Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và tổ chức với sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động doanh nghiệp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 2020.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam là hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư thường niên lớn nhất của Việt Nam, quy tụ hàng nghìn nhà đầu tư trong và ngoài nước tới tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Hội nghị cũng là diễn đàn hàng đầu để các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương giới thiệu những định hướng, ưu đãi mới nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút luồng đầu tư chất lượng cao.
Đồng thời, hội nghị còn là cơ hội để các doanh nghiệp cùng thảo luận, trao đổi những thực tiễn tốt, mô hình hợp tác thành công, đưa ra các khuyến nghị nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Hội nghị VBS là sáng kiến của Việt Nam từ năm APEC 2017. Kể từ đó đến nay, hội nghị luôn là sự kiện được cộng đồng các nhà đầu tư mong đợi nhất trong năm. Với khẩu hiệu “Viet Nam, We mean Bussiness” – “Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy.”
Hội nghị đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam. Thuận lợi trong dịch vụ logistic sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Phát biểu chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam chủ trương và nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số, hướng tới phát triển bền vững.
Chính phủ sẽ hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kỹ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025.
"Chính phủ cũng sẽ ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả 3 phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế xanh và bền vững,” Phó Thủ tướng cho biết.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch VCCI, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc nhận xét, ngành logistics là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, ngành dịch vụ logistics đang có những thay đổi to lớn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại VBS 2020. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Ngành logistic Việt Nam đang là một điểm nghẽn của sự phát triển. Chi phí logistic ở Việt Nam đang ở mức cao nhất ở khu vực và thế giới. Vì vậy, cần khắc phục điểm nghẽn này, tạo ra bước đột phá trong phát triển logistic.
Song song đó, đối với ngành nông nghiệp, việc hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang và sẽ giúp tăng sản lượng và chất lượng nông sản, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Vì vậy, cần nâng cao chất lượng và sản lượng cho xuất khẩu nông sản. Đồng thời, tìm hướng phát triển cho sản xuất nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vì đây chính là cơ hội tốt để Việt Nam xuất khẩu nông sản.
Đại diện phía doanh nghiệp, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, chưa có năm nào các nhà kinh tế, dự báo liên tục đưa ra các dự báo theo hướng điều chỉnh giảm như năm 2020.
Ở cuộc nghiên cứu và dự báo tháng 8/2020, IMS và một số nhà kinh tế đã dự báo GDP toàn cầu năm 2020 sẽ tăng trưởng âm khoảng 4,4%. Khu vực Đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng âm khoảng 6%, đặc biệt là Anh có mức tăng trưởng dự đoán âm 9,8%.
Ở thời điểm đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên quy mô toàn cầu, đa số các nhà phân tích dự đoán kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo kiểu hình chữ V.
Việt Nam cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng và Việt Nam là một số quốc gia hiếm hoi có được tăng trưởng GDP dương.
Trong phiên họp Quốc hội ngày 11/11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và qua đó "chốt" tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam ở vào khoảng 6%.
Dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Tại Việt Nam, đối với xã hội, dịch COVID-19 có thể tạo ra tỷ lệ thất nghiệp cao, sự suy sụp của một số ngành nếu không có hỗ trợ từ Chính phủ.
Còn đối với doanh nghiệp, dịch COVID-19 khiến bảng cân đối kế toán suy yếu, trong bối cảnh chính trị có nhiều bất ổn thì các doanh nghiệp nhỏ là đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất.
"Để có thể thích ứng với 'bình thường mới,' doanh nghiệp cần hoạt động một cách bền vững hơn để tái tạo tương lai. Việc tái thiết sẽ là cần thiết cho mọi doanh nghiệp đang trên đà suy thoái và lực lượng lao động chất lượng cao sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp quốc gia,” bà Quỳnh Vân nhìn nhận.
Chia sẻ về các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, ông Đỗ Huy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog cho biết, Smartlog đã làm việc với hơn 100 doanh nghiệp lớn và vừa; đồng thời, gián tiếp làm việc với hàng nghìn doanh nghiệp logistics khác.
Chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị toàn diện mà Việt Nam chỉ mới đang ở giai đoạn ban đầu xây dựng nền móng cho việc chuyển đổi.
Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ mới đưa công nghệ vào một cách thụ động mà thay vì chủ động như ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
“Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp tìm đến chúng tôi vì phòng ngừa thay vì nhận định nó là bước chuyển trong tương lai. Nhưng doanh nghiệp phía sau về kho hàng đưa công nghệ vào rất chậm chạp,” ông Bình chia sẻ.
Ông Bình còn nhận định, tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Việt đa số là nhỏ và vừa nhưng lại có cơ hội chuyển đổi ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin nhanh hơn so với các tập đoàn lớn, tập đoàn toàn cầu vì họ phải chuyển đổi cả bộ máy toàn cầu. Đây chính là một lợi thế cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận và chuyển đổi.
Khẳng định chuyển đổi số, thông minh phải dựa trên dữ liệu, song hệ thống cơ sở dữ liệu của Việt Nam hiện rất phân tán. “Khi làm một review container, nhưng có lẽ sẽ mất đến 2-3 năm để tập hợp thông tin và thuyết phục các doanh nghiêp cùng hợp tác chia sẻ dữ liệu. Do đó, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam phải bắt đầu phải từ việc xây dựng nền tảng dữ liệu,” ông Bình chia sẻ.