Cụ thể, khoản tín dụng 238 triệu USD tài trợ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 200.000 hộ nông dân trồng lúa, khoảng 1 triệu người, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 50.000 hộ nông dân trồng cà phê khác, khoảng 250.000 người, tại vùng Tây nguyên.
“Dự án sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong đổi mới ngành nông nghiệp, nhất là đối với hai tiểu ngành quan trọng là lúa gạo và cà phê,” ông Chris Jackson, Chuyên gia Phát triển nông thôn của WB, trưởng nhóm dự án, nói.
“Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về gạo và cà phê. Tuy nhiên, do quá tập trung vào mục tiêu sản lượng nên người nông dân đã áp dụng quá mức các phương thức canh tác không bền vững để đạt sản lượng cao nhưng giá trị xuất khẩu thấp. Để phát triển bền vững, cần thiết phải có sự thay đổi về phương thức sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, qua đó mang lại lợi ích cho hộ nông dân sản xuất nhỏ, và đó cũng chính là mục đích chính của dự án này.”
Dự án sẽ giúp nông dân tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Long An áp dụng các phương pháp canh tác tốt hơn, đồng thời cải thiện hạ tầng sản xuất và chế biến và liên kết nông dân với các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao hơn.
Dự án cũng sẽ hỗ trợ sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê Robusta tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Dắk Nông và Kon Tum.
Khoản tín dụng thứ hai trị giá 77 triệu USD sẽ hỗ trợ Dự án Đổi mới giáo dục phổ thông. Cụ thể, hỗ trợ nâng cao kết quả học tập thông qua hỗ trợ đối mới và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực cho các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Dự án cũng sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả giảng dạy thông qua biên soạn và cung cấp sách giáo khoa tương thích với chương trình giáo dục mới và cải thiện hệ thống thi cử.
“Nhu cầu về giáo dục và đào tạo ngày càng tăng đã thể hiện truyền thống hiếu học và mối quan tâm của các bậc phụ huynh Việt Nam mong muốn con em mình học hỏi được các kỹ năng mới cần thiết để thành công trong nền kinh tế tri thức,” ông Michael F. Crawford, Chuyên gia Trưởng về Giáo dục của WB, trưởng nhóm dự án nói.
“Với sự trợ giúp của dự án, chương trình giáo dục phổ thông mới được cải thiện sẽ giúp nhà trường Việt Nam sẽ giúp các em học sinh khi tốt nghiệp được giáo dục tốt hơn, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao trong công việc trong thế kỷ 21”.