Theo đó, tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng và đạt mức 1,8% trong năm 2017. Chính sách kích thích kinh tế của Mỹ sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới có tốc độ tăng trưởng 2,2%, tác động tích cực đến tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, bảo hộ mậu dịch có thể gây tác động tiêu cực.
Ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Kinh tế phát triển WB nói: “Nền kinh tế Mỹ giữ một vai trò vô cùng lớn trong nền kinh tế toàn cầu, nên những thay đổi chính sách của Mỹ sẽ tạo ra những đợt sóng. Chính sách tài khoá kích thích tăng trưởng tại Mỹ sẽ kích thích tăng trưởng tại nước này và trên thế giới trong kỳ ngắn hạn, nhưng các thay đổi chính sách thương mại và các chính sách khác lại có tác động ngược lại. Tình trạng chính sách tại các nền kinh tế lớn có thể sẽ gây nên những tác động tiêu cực lên tăng trưởng toàn cầu”.
Chính sách tài khoá kích thích tăng trưởng tại Mỹ sẽ kích thích tăng trưởng tại nước này và trên thế giới trong kỳ ngắn hạn, nhưng các thay đổi chính sách thương mại và các chính sách khác lại có tác động ngược lại.
- Ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Kinh tế phát triển WB.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến đạt 4,2% trong năm nay, cao hơn mức 3,4% năm ngoái trong bối cảnh giá cả hàng nguyên vật liệu tăng nhẹ.
Ngược lại, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng trưởng 5,6% năm nay, thấp hơn một chút so với con số ước tính là 5,7% năm 2016. Dự báo, mức tăng trưởng Trung Quốc sẽ giảm từ từ xuống còn 6,5%. Tuy nhiên, viễn cảnh chung của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển bị lu mờ đôi chút bởi thương mại quốc tế đình trệ, đầu tư kém và mức tăng năng suất lao động kém.
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm WB nói: “Sau một số năm tăng trưởng thấp đáng thất vọng trên toàn cầu, đã xuất hiện các chỉ dấu đáng khích lệ về cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bây giờ là lúc chớp lấy đà tăng trưởng và tăng cường đầu tư vào hạ tầng, cũng như con người. Đây là điều cực kỳ quan trọng nhằm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, cần thiết để xoá bỏ nghèo đói”.
Báo cáo đã phân tích tình trạng đáng lo ngại gần đây về suy giảm tăng trưởng đầu tư tại các nước mới nổi và đang phát triển, nơi chiếm tới 1/3 GDP, 3/4 dân số và số người nghèo cũng lớn nhất toàn cầu. Mức tăng đầu tư đã giảm từ mức trung bình 10% năm 2010 xuống còn 3,4% năm 2015 và trong năm 2016 có thể còn giảm tiếp 1/2 điểm phần trăm nữa.
Tốc độ tăng trưởng đầu tư suy giảm một phần do thực hiện điều chỉnh từ mức đầu tư cao trước khi xảy ra khủng hoảng, nhưng phần nào cũng phản ánh một số yếu tố tiêu cực tại thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó phải kể đến giá dầu thấp (đối với các nước xuất khẩu dầu), đầu tư nước ngoài chậm lại (đối với các nước nhập hàng hoá nguyên vật liệu) và trên bình diện rộng hơn, đó là tình trạng nợ tư nhân và rủi ro chính trị.
Ông Paul Romer, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB chia sẻ, WB có thể giúp các chính phủ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư và họ hoàn toàn có thể tin tưởng rằng khoản đầu tư của họ sẽ được kết nối với mạng lưới toàn cầu.
“Nếu chúng ta không đầu tư và xây dựng các con đường mới, thì các nhà đầu tư tư nhân cũng không đầu tư để xây dựng các khu nhà mới. Nếu không xây dựng nơi làm việc được kết nối với khu dân cư thì, hàng tỷ người muốn tham gia vào nền kinh tế hiện đại cũng sẽ không có cơ may đầu tư vào nguồn vốn con người bằng cách vừa làm vừa học”, ông Paul Romer nói.