“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể thấp hơn một chút so với năm ngoái, thấp hơn một chút so với mục tiêu 6,3 - 6,5% của Chính phủ, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nông nghiệp chịu tác động nặng do hạn hán và ngập mặn, tăng trưởng công nghiệp sụt giảm, thì việc duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và sức ép lạm phát không đáng kể của Việt Nam là đáng ghi nhận”, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB lý giải các dự báo.
Tuy nhiên, ông này cũng tiếp tục giữ quan điểm mà WB luôn nhắc tới trong mỗi kỳ công bố dự báo tăng trưởng kinh tế, đó là nên đặt mục tiêu ổn định và chất lượng tăng trưởng lên trên.
“6% và cao hơn một chút là con số mà Việt Nam có thể đạt được trong năm nay, nhưng tôi cho rằng, không nên dùng các biện pháp không bền vững để đạt chỉ tiêu tăng trưởng. Lý do là, Việt Nam đang muốn chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư sang tăng trưởng dựa trên năng suất, nên không thể chỉ nhìn vào những biến động ngắn hạn hay GDP”, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư.
6% và cao hơn một chút là con số mà Việt Nam có thể đạt được trong năm nay, nhưng tôi cho rằng, không nên dùng các biện pháp không bền vững để đạt chỉ tiêu tăng trưởng.
Đây cũng là lý do WB cho rằng, cho dù viễn cảnh trung hạn của kinh tế Việt Nam được ghi nhận khá tích cực, nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, song nếu chậm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, thiếu quyết liệt trong cải cách tài khóa, ngân hàng thì các yếu kém vĩ mô sẽ khó được khắc phục. “Điều này sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng trong trung hạn của kinh tế Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt nói.
Cụ thể, vị chuyên gia kinh tế cao cấp này của WB cho rằng, Việt Nam nên quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu trong 3 nội dung có tác động nhiều nhất tới chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đó là cải cách và hiện đại hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước; tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước để thực sự trở thành động lực của tăng trưởng; cải cách hệ thống tài chính theo hướng nguồn lực phải đến được các doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả.
“Chỉ khi nguồn lực đến được các doanh nghiệp hiệu quả, để họ có điều kiện đầu tư mở rộng và tăng trưởng mạnh hơn, thì mới có thể nói đến chất lượng của tăng trưởng. Ngay cả với các doanh nghiệp nhà nước, nếu Nhà nước muốn giữ lại thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động hiệu quả. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp tư nhân mới có thể hưởng lợi từ sự hội nhập của nền kinh tế”, ông Sebastian Eckardt nói.
Thậm chí, ông này cũng cho rằng, nếu không thực hiện được nguyên tắc này, thì doanh nghiệp tư nhân sẽ không thể trở thành một động lực của tăng trưởng như Chính phủ đang hướng tới. Khi đó, khoảng doãng giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - khu vực được WB đánh giá là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay - sẽ tiếp tục rộng ra.
Cũng phải nói thêm, trong số những quan ngại đối với kinh tế Việt Nam, mất cân đối tài khóa tiếp tục được nhấn mạnh. “Kết quả tài khóa đầu năm 2016 cho thấy, áp lực ngân sách vẫn tiếp tục do giá dầu giảm và hoạt động kinh tế yếu đi làm sụt giảm nguồn thu.
Thâm hụt ngân sách, kể cả các khoản ngoài ngân sách chiếm 6% GDP trong năm 2015, làm nợ công của Việt Nam đang nhanh chóng tiến gần tới mức pháp luật cho phép là 65%. Tuy cho rằng, năm nay, nợ công sẽ không vượt mức này nhờ Chính phủ thực hiện các kế hoạch thắt chặt tài khóa, song theo tôi, trong bất cứ trường hợp nào, Việt Nam vẫn phải giải quyết vấn đề này”, ông Alwaleed Alatabani, Trưởng nhóm Tài chính của WB nhận định.