Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới do WB công bố hôm qua (5/6), do tăng thuế quan trên toàn cầu - lên mức cao nhất mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép - sẽ làm thương mại toàn cầu giảm tới 9%.
Nếu thương mại toàn cầu sụt giảm như dự báo của WB thì tình hình này sẽ giống với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Thậm chí, WB cảnh báo, ảnh hưởng có thể còn nặng nề hơn nữa, nếu như các nước áp thuế quan cao hơn quy định của WTO.
Bà Franziska Ohnsorge, tác giả của báo cáo trên cho biết: “Mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là một rủi ro thực tế. Mọi thứ đẩy cát vào bánh xe của thương mại toàn cầu đều là rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu”.
Sự can thiệp của WB, cùng với sự ra đời của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhằm hỗ trợ giảm nghèo đói ở các nước kém phát triển, thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế cũng đã làm gia tăng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước đồng minh truyền thống.
Tuần qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm từ châu Âu, Canada và Mexico, làm các nước giận dữ và đưa ra ngay biện pháp trả đũa. Nguy hiểm hơn, biện pháp này làm tổn hại nghiêm trọng đến sự đồng thuận về chính trị đối với những lợi ích từ thương mại tự do đã được vun đắp từ nhiều thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, mối lo ngại về sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn hiện hữu, liên quan đến những đe dọa bảo hộ mậu dịch của Nhà Trắng và tuyên bố trả đũa tương xứng từ phía Bắc Kinh.
WB cho rằng, chiến tranh thương mại sẽ tác động nhiều nhất đến các nước đang phát triển vì tăng trưởng kinh tế của các nước này thường có mối liên hệ với sức khỏe của nền kinh tế chủ chốt. Bà Ohnsorge cho biết, theo tính toán, khi tăng trưởng kinh tế Mỹ, Trung Quốc hoặc khu vực đồng euro giảm 1%, thì tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm 1,1%.