WB: Ảnh hưởng của Covid-19, kiều hối sẽ giảm mạnh 20% trong năm 2020

(ĐTCK) Lý giải nguyên nhân giảm mạnh kiều hối, Báo cáo Di cư và Kiều hối mới của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đó là do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19.

Đây được cho là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn là do giảm thu nhập và việc làm ở nhóm lao động di cư, là nhóm đối tượng dễ bị mất việc làm và thu nhập do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại.

Dòng kiều hối chảy về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7% xuống còn 445 tỷ USD, gây tổn thất đến nguồn tài chính mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Theo các nghiên cứu, kiều hối đóng vai trò trong việc hỗ trợ giảm nghèo ở các nước thu nhập thấp và trung bình, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao chi tiêu cho giáo dục và hạn chế lao động trẻ em đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Kiều hối giảm sẽ khiến các hộ gia đình khó chi trả cho những khoản mục này vì tài chính sẽ được ưu tiên cho lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác. 

Ông David Malpass, Chủ tịch WB cho biết, kiều hối là một nguồn thu nhập quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Suy thoái kinh tế do hậu quả của Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lao động di cư gửi tiền về nhà, bởi vậy việc rút ngắn thời gian phục hồi kinh tế ở các nước phát triển lại càng trở nên quan trọng. Kiều hối hỗ trợ các hộ gia đình mua thực phẩm, thanh toán dịch vụ y tế và các nhu cầu cơ bản.

"Nhóm Ngân hàng Thế giới đang triển khai nhanh các chương trình trên diện rộng để hỗ trợ các quốc gia, đồng thời chúng tôi cũng nỗ lực để giữ cho các kênh chuyển tiền thông suốt và đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản cho những người nghèo nhất", David Malpass phát biểu.

Dự báo dòng kiều hối chảy vào tất cả các khu vực của Nhóm Ngân hàng Thế giới đều sẽ giảm xuống, đáng chú ý nhất là châu Âu và Trung Á (giảm 27,5%), tiếp theo là châu Phi cận Sahara (giảm 23,1%), Nam Á (giảm 22,1%), Trung Đông và Bắc Phi (giảm 19,6%), Mỹ Latinh và Caribê (giảm 19,3%) và Đông Á và Thái Bình Dương ( giảm13%).

Năm 2020, kiều hối sụt giảm sau khi lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 554 tỷ USD trong năm 2019. Cho dù sụt giảm như vậy, nhưng kiều hối được dự kiến vẫn là nguồn tài chính quốc tế quan trọng đối với các quốc gia này bởi FDI dự báo còn giảm sâu hơn (trên 35%).

Năm 2019, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình vượt lượng vốn FDI, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc giám sát nguồn lực chảy vào các nước đang phát triển.

WB ước tính, năm 2021 lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD. Triển vọng này vẫn còn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trước đây, dòng chảy kiều hối thường có xu hướng ngược chu kỳ, có nghĩa là trong những thời điểm khủng hoảng và khó khăn người lao động có xu hướng gửi tiền về nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, đại dịch lần này gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, làm gia tăng bất định. 

Ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu Nhóm Bảo trợ Xã hội và Việc làm, Ngân hàng Thế giới cho biết: “Việc xây dựng các hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả là rất quan trọng nhằm bảo vệ người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong thời điểm khủng hoảng này ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Các nước nên áp dụng các biện pháp bảo trợ xã hội cho cả các đối tượng người di cư”.

Trong quý I năm 2020, trung bình chi phí gửi 200 USD vẫn ở mức cao khoảng 6,8%, chỉ thấp hơn một chút so với năm trước. Châu Phi cận Sahara tiếp tục là khu vực có chi phí gửi tiền trung bình ở mức cao nhất, khoảng 9%. Tuy nhiên, lao động di cư giữa các quốc gia trong khu vực ở châu Phi cận Sahara chiếm tới hơn hai phần ba tổng số lao động di cư trên toàn thế giới.

“Cần có các biện pháp nhanh chóng để hỗ trợ việc nhận và gửi kiều hối để hỗ trợ lao động di cư và gia đình. Các biện pháp này bao gồm coi dịch vụ chuyển tiền là dịch vụ thiết yếu và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ này đối với người di cư”, ông Dilip Ratha, tác giả chính của Bản tóm tắt và trưởng nhóm Di cư và Kiều hối thuộc ban Nghiên cứu Phát triển của WB cho biết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục