Vượt qua thử thách, VN-Index được kỳ vọng trở lại đỉnh lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.200 điểm cuối cùng cũng đã được chinh phục khi đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (27/7), mở ra kỳ vọng về việc VN-Index sẽ hướng đỉnh cao lịch sử như những gì đã làm trong năm 2021.
Vượt qua thử thách, VN-Index được kỳ vọng trở lại đỉnh lịch sử

Kể từ sau kỳ nghĩ lễ 30/4 - 1/5, thị trường đã bước vào đợt phục hồi mạnh, đưa VN-Index từ ngưỡng 1.050 điểm lên ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, mốc 1.200 điểm - mức đỉnh được xác lập đầu quý II/2018 (đỉnh lịch sử của thị trường thời điểm đó) luôn là ngưỡng cản tâm lý mạnh của VN-Index trong mỗi nhịp tăng hoặc hồi phục. Còn nhớ cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi dòng tiền lớn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, kéo VN-Index vọt tăng mạnh sau khi tạo đáy Covid vào quý I/2020, nhưng VN-Index đã nhiều lần bị đẩy mạnh trở lại mỗi khi tiếp cận ngưỡng 1.200 điểm trước khi nhận được động lượng đủ mạnh từ dòng tiền của làn sóng nhà đầu tư F0 để vượt qua được ngưỡng cản này vào cuối quý I/2021, sau đó bứt lên chinh phục các đỉnh cao lịch sử mới (đỉnh lịch sử hiện tại của VN-Index vùng 1.530 điểm).

Sau giai đoạn tích lũy kể từ đầu năm, thị trường bắt đầu bước vào chu kỳ tăng điểm từ tháng 5/2023. Cho dù biên độ tăng không quá lớn, nhưng điều này cũng tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư sau 1 năm 2022 đầy đau thương, dòng tiền cũng theo đó chảy mạnh hơn vào thị trường so với quý I, giúp VN-Index dần dần tiến bước tới ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.200 điểm.

Trong phiên hôm qua (25/7) và sáng nay (26/7), ngưỡng 1.200 điểm một lần nữa cho thấy đây là ngưỡng cản khó bị khuất phục như thế nào, bởi mỗi khi VN-Index tiến về gần mốc này, áp lực bán ngay lập tức gia tăng, đẩy chỉ số thoái lui trở lại.

Trong phiên chiều nay, kịch bản này cũng đã tiếp tục diễn ra khi VN-Index dù phá đỉnh của phiên sáng, nhưng khi tưởng chừng như đã chạm được tay vào mốc 1.200 điểm thì một lần nữa bị đẩy mạnh trở lại, thậm chí xuống sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, với sự nâng đỡ của “cánh chim đầu đàn” của nhóm ngân hàng, cùng dòng tiền hoạt động tích cực hơn phiên sáng, VN-Index đã trở lại và lần này, với "cú nhún" trong đợt ATC, VN-Index cuối cùng cũng đã chạm tay tới ngưỡng cửa quan trọng 1.200 điểm.

Việc VN-Index mở được cánh cửa 1.200 điểm tạo kỳ vọng về việc thị trường bứt tốc để đi lên, chinh phục các đỉnh cao mới như những gì đã xảy ra năm 2021, thậm chí hướng tới mức đỉnh lịch sử ở vùng 1.530 điểm xác lập đầu năm 2022.

Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử giao dịch của thị trường trong giai đoạn đầu năm 2021 cho thấy, VN-Index gặp rất nhiều khó khăn trên hành trình chinh phục mốc 1.200 điểm, có lúc chỉ số đã chạm được tay vào đích, nhưng bị đẩy lại ngay trong phiên hoặc ngay phiên sau đó. Mãi tới qua quý I, bước vào phiên đầu quý II/2021 (1/4), khi thị trường có phiên bùng nổ theo đà, VN-Index bứt mạnh qua hẳn mốc 1.200 điểm khi đóng cửa với mức tăng 24,66 điểm (+2,07%), thị trường sau đó mới bứt tốc đi lên và thiết lập các đỉnh lịch sử mới.

Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang theo chiều hướng tích cực, ủng hộ xu hướng đi lên của thị trường, như dải bollinger ngày và tuần đều mở rộng lên trên, các chỉ báo MACD, ADX, RSI cũng đang cho tín hiệu tích cực.

Trong phiên hôm nay, dù VN-Index chinh phục được mốc 1.200 điểm khi đóng cửa, lấp xong gap mở ra từ phiên 26/9/2022 (một gab hơn 11 điểm, nhưng phải mất đúng 10 tháng mới lấp xong), nhưng vẫn rất mong manh, nhất là thanh khoản trong phiên hôm nay sụt giảm so với phiên hôm qua và thấp nhất trong 4 phiên gần đây.

Chốt phiên, VN-Index tăng 4,94 điểm (+0,41%), lên 1.200,84 điểm với 213 mã tăng và 246 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 912,3 triệu đơn vị, giá trị 17.951,6 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 64,2 triệu đơn vị, giá trị 1.321,8 tỷ đồng.

Lực cầu tham gia tích cực cuối phiên giúp số mã tăng giá nhiều lên thêm hơn 30 mã so với phiên sáng, gần cân bằng với số mã giảm (không đổi so với phiên sáng). Tuy nhiên, vai trò chính giúp VN-Index tăng hôm nay và chinh phục thành công ngưỡng cửa 1.200 điểm vẫn phải kể đến cánh chim đầu đàn của nhóm ngân hàng VCB khi tăng 1,9% lên 93.400 đồng, mức cao nhất ngày, thanh khoản cũng khá tốt với 1,33 triệu đơn vị.

Ngoài ra, cũng phải kể đến một số mã khác trong nhóm VN30, trong đó là sự khởi sắc của NVL khi bật tăng 6,2% lên 17.200 đồng, mức cao nhất ngày với thanh khoản 73,23 triệu đơn vị, cao nhất thị trường. SAB cũng tăng 2,3% lên 161.600 đồng, MSN tăng 1,4% lên 86.400 đồng, FPT tăng 1,7% lên 82.700 đồng, VNM và VHM cùng tăng 0,7%, khiêm tốn hơn có HPG, PLX, BID tăng 0,4 - 0,5%.

Về các nhóm ngành, ngoài VCB và BID, nhóm ngân hàng chiều nay có thêm SSB tăng nhẹ 0,3% lên 29.600 đồng. Ngoài ra, có 4 mã đứng giá tham chiếu là ACB, HDB, SHB và VPB, số còn lại giảm nhưng mức giảm rất nhẹ với mã giảm mạnh nhất là TPB chỉ mất 1,1% xuống 18.800 đồng. Trong đó, MSB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 19,7 triệu đơn vị và cũng giữ mức giảm 0,7% như phiên sáng, đóng cửa ở mức 13.400 đồng.

Nhóm chứng khoán giao dịch tích cực hơn nhiều trong phiên chiều khi có tới 7 sắc xanh, so với 1 mã duy nhất tăng điểm trong phiên sáng, trong đó có các mã bluechip của nhóm như SSI, VND cũng đảo chiều tăng. Thậm chí, VND tăng tốt 2,1% lên 19.300 đồng, khớp 35,82 triệu đơn vị, chỉ đứng sau NVL trên sàn. SSI tăng nhẹ 0,7% lên 29.000 đồng, khớp 12,78 triệu đơn vị, trong khi mã tăng mạnh nhất nhóm là VIX tăng 2,9% lên 14.400 đồng, thanh khoản 18,32 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản ngoài NVL bật tăng mạnh, SJS vẫn giữ sắc tím nhưng giao dịch không nhiều, còn chứng kiến nhiều mã khác đảo chiều tăng, như PDR tăng 0,9% lên 21.550 đồng, khớp 17 triệu đơn vị, DXG tăng 1,8% lên 16.900 đồng, khớp 21,62 triệu đơn vị. Thậm chí, DXS còn bứt tốc mạnh khi đóng cửa ở mức kịch trần 11.000 đồng, khớp 3,85 triệu đơn vị…

Nhóm thép cũng duy trì được sắc xanh như phiên sáng, trong đó HPG cũng gia nhập, nhưng mức tăng nhẹ 0,5% lên 28.400 đồng, khớp 22,87 triệu đơn vị, cao nhất nhóm. HSG tăng tốt 2,2% lên 18.700 đồng, bằng giá của phiên sáng, thanh khoản đạt 14,43 triệu đơn vị…

Chiều nay cũng chứng kiến đà khởi sắc của GEX sau thông tin kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm được công bố. Cổ phiếu này đóng cửa tăng 3,2% lên 22.700 đồng, khớp 29,56 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên sàn. Bên cạnh đó, POW và BCG cũng duy trì được mức tăng như phiên sáng, nhưng POW có giao dịch sôi động và tăng tốt hơn.

Trong khi đó, không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào của các mã bluechip, sàn HNX chỉ giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên chiều nay.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,31%), xuống 236,2 điểm với 82 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 75,9 triệu đơn vị, giá trị 1.281,7 tỷ đồng, giảm 33% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,72 triệu đơn vị, giá trị 52,7 tỷ đồng.

SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 12,18 triệu đơn vị và đóng cửa đã đảo chiều tăng nhẹ 0,7% lên 15.200 đồng. Đây cũng là mã duy nhất tăng giá trong Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX hôm nay. Bốn mã còn lại là CEO (-1,6%, xuống 18.400 đồng), TAR (-0,5%, xuống 20.800 đồng), PVS (-0,6%, xuống 34.800 đồng) và HUT (-1%, xuống 20.300 đồng). Hai mã tiếp theo là IDC và MBS đều có sắc xanh, nhưng đà tăng của IDC bị hãm bớt đi so với phiên sáng và cả 2 mã này chỉ có được sắc xanh nhạt.

UPCoM vẫn chỉ lình xình trong biên độ hẹp sát dưới tham chiếu, nhưng đóng cửa vẫn giữ được sắc xanh nhạt, đúng bằng điểm số của phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 88,6 điểm với 150 mã tăng, 126 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,8 triệu đơn vị, giá trị 1.808,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 1.093 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận 1,74 triệu cổ phiếu VNZ ở mức giá sàn 626.800 đồng, tổng giá trị 1.091,6 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 6,45 triệu đơn vị và đóng cửa vẫn giảm 1,1% như phiên sáng, xuống 18.300 đồng. VHG đã vươn lên là mã có thanh khoản tốt thứ 2 với 2,51 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 3.600 đồng. SBS cũng vươn lên với thanh khoản 2,51 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,2% lên 8.200 đồng. Ngoài ra, có thêm 3 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là ABB, LHM và QNS, trong đó LHM tăng mạnh 4,7% khi đóng cửa lên 4.500 đồng, còn lại đều giảm nhẹ dưới 2%.

Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ theo thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 8 VN30F2308 tăng 3 điểm (+0,3%), lên 1.197 điểm với tổng khối lượng hợp đồng được giao dịch là 117.694 hợp đồng, tương đương giá trị 14.057,9 tỷ đồng; khối lượng mở 59.863 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế so với sắc xanh, nhưng mức biến động về giá là không lớn. Trong khi đó, thanh khoản thị trường hôm nay khá tốt với 8 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó CMWG2302 do ACBS phát hành có thanh khoản tốt nhất 2,11 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 1% xuống 960 đồng. Tiếp đến là CVNM2212 do HSC phát hành với 1,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,6% lên 260 đồng…

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay không có giao dịch nào.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục