Kể từ sau kỳ nghĩ lễ 30/4 - 1/5, thị trường đã bước vào đợt phục hồi mạnh, đưa VN-Index từ ngưỡng 1.050 điểm lên ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, mốc 1.200 điểm - mức đỉnh được xác lập đầu quý II/2018 (đỉnh lịch sử của thị trường thời điểm đó) luôn là ngưỡng cản tâm lý mạnh của VN-Index trong mỗi nhịp tăng hoặc hồi phục. Còn nhớ cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi dòng tiền lớn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, kéo VN-Index vọt tăng mạnh sau khi tạo đáy Covid vào quý I/2020, nhưng VN-Index đã nhiều lần bị đẩy mạnh trở lại mỗi khi tiếp cận ngưỡng 1.200 điểm trước khi nhận được động lượng đủ mạnh từ dòng tiền của làn sóng nhà đầu tư F0 để vượt qua được ngưỡng cản này vào cuối quý I/2021, sau đó bứt lên chinh phục các đỉnh cao lịch sử mới (đỉnh lịch sử hiện tại của VN-Index vùng 1.530 điểm).
Sau khi điều chỉnh mạnh trong nửa cuối năm 2022 và bị đẩy về mức đáy dưới ngưỡng 900 điểm vào tháng 11/2022, VN-Index đã hãm được đà rơi và dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, với viễn cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới có nhiều gam màu xám, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh khiến VN-Index chỉ đủ sức cầm cự và đi ngang trong suốt quý I và tháng đầu tiên của quý II/2023.
Bức tranh của thị trường chứng khoán chỉ bắt đầu sáng hơn kể từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sau hàng loạt chính sách, giải pháp quyết liệt từ Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, cùng với đó là các lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Đà hồi phục của thị trường từ đầu tháng 5/2023 đã kéo dòng tiền dần trở lại, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới để bắt sóng, tìm kiếm cơ hội với thị trường chứng khoán tăng lên, giúp thị trường duy trì đà tăng khá tốt trong gần 3 tháng qua.
Riêng trong quý II/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới và đà tăng này tiếp tục được duy trì trong tháng 7, leo lên tiếp cận ngưỡng 1.200 điểm.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, đây vẫn là ngưỡng cản tâm lý mạnh của thị trường và nếu xét về mặt kỹ thuật, ngưỡng 1.200 điểm hiện tại cũng đang là dải trên của dải bolliger, nên VN-Index liên tục bị đẩy trở lại mỗi khi có ý định chinh phục lại ngưỡng điểm này.
Trong phiên hôm qua (25/7), có lúc tưởng chừng VN-Index có thể vượt qua được ngưỡng cản này, nhưng khi chỉ còn cách chưa tới 1 bước chân, áp lực bán gia tăng đã đẩy chỉ số thoái lui trở lại. Trong phiên sáng nay (26/7), một lần nữa VN-Index tiến lên thử thách ngưỡng cản này, nhưng thêm một lần thất bại khi áp lực chốt lời vẫn duy trì ở mức cao, trong khi dòng tiền đang tỏ ra lưỡng lự để quan sát thêm trước khi quyết định nhập cuộc hay không.
Áp lực bán mạnh khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử có lúc số mã giảm gấp đôi số mã tăng. Trong đó, các nhóm dẫn dắt tăng tốt thời gian qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đều giảm, ngoại trừ nhóm thép duy trì đà tăng nhẹ.
Ngay cả các mã liên quan trong liên doanh VIETUR (bao gồm Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS (đứng đầu liên danh), CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons; CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C; Tổng Công ty Xây dựng số 1 (mã CC1); CTCP Kết Cấu ATAD; Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã VCG); CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã PHC); CTCP Hawee Cơ điện; và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (mã HAN)) trước đó nổi sóng lớn với thông tin lan truyền trên các diễn đàn về việc dự báo khả năng trúng thầu gói thầu 5.10 xây dựng sân bay Long Thành trị giá 35.200 tỷ đồng cũng đồng loạt quay đầu điều chỉnh.
Tuy nhiên, sau khi VN-Index bị đẩy ngược từ ngưỡng sát 1.200 điểm về dưới tham chiếu, lực cầu tham lam đã nhập cuộc, kéo nhiều mã hồi trở lại, VN-Index cũng quay đầu đi lên để hướng tới chinh phục thử thách 1.200 điểm một lần nữa, nhưng không đủ lực để với tới ngưỡng cản này, thậm chí chưa với tới mức đỉnh của phiên được thiết lập đầu phiên sáng.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 2,49 điểm (+0,21%), lên 1.198,39 điểm với 179 mã tăng, trong khi có 246 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 393,9 triệu đơn vị, giá trị 7.503,2 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,6 triệu đơn vị, giá trị 370,5 tỷ đồng, tương đương với phiên sáng qua.
Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn VCB và BID duy trì sắc xanh, trong đó VCB tăng 1,4% lên 93.000 đồng, còn BID tăng 1% lên 47.600 đồng, cùng ACB, LPB, SHB và SSB đứng giá, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ. TCB hôm qua tạo với VCB thành một cặp với mức tăng hơn 3% hỗ trợ đắc lực cho VN-Index giữ được sắc xanh, thì sáng nay đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh, dù mức giảm chỉ khiêm tốn 0,3%, xuống 33.400 đồng. Mã giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng là STB, nhưng cũng chỉ mất 0,9% giá trị, xuống 28.250 đồng. Trong khi đó, MSB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 16,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,7% xuống 13.400 đồng.
Nhóm chứng khoán trên HOSE thậm chí chỉ còn duy nhất CTS tăng giá 1,4% lên 24.950 đồng, cùng TVB và VCI đứng giá tham chiếu, còn lại cũng giảm, nhưng mức giảm cũng khá nhẹ nhàng. Ba mã bluechip còn lại trong nhóm này (ngoại trừ VCI) là SSI giảm 0,5% xuống 28.650 đồng, VND giảm 0,5% xuống 18.800 đồng và HCM giảm 0,7% xuống 30.100 đồng. Trong đó, VND là mã có thanh khoản tốt nhất với 11,15 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một cổ phiếu ngành tài chính là EVF lại nổi sóng khi tăng kịch trần từ khá sớm sau đó duy trì mức giá trần 10.250 đồng cho đến hết phiên với thanh khoản 3,26 triệu đơn vị và còn dư mua trần 0,83 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản, SJS bất ngờ tăng kịch trần lên 50.000 đồng, nhưng thanh khoản rất thấp, chỉ 47.200 đơn vị.
Trong các mã lớn đáng chú ý, NVL sau khi chịu áp lực cung mạnh đầu phiên, sau đó đã dần hồi phục nhờ lực cầu đối ứng khá tốt, kéo NVL đóng cửa với mức tăng 1,5% lên 16.450 đồng, thanh khoản tốt nhất thị trường với 21,16 triệu đơn vị. Nhóm này, sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng ngoại trừ SJS, mức tăng của các mã còn lại không lớn.
Sáng nay ghi nhận sự tích cực của nhóm năng lượng khi POW tăng 3% lên 13.650 đồng, khớp 18,65 triệu đơn vị, chỉ đứng sau NVL. BCG dù tăng nhẹ 0,9% lên 10.000 đồng, nhưng thanh khoản cũng tốt với 12 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trên sàn HOSE.
Nhóm thép cũng khá tích cực khi chỉ có 2 sắc đỏ nhạt, cùng mã đầu ngành HPG, DLT và VCA đứng giá, còn lại là tăng. Trong đó, HSG tăng khá tốt 2,2% lên 18.700 đồng, khớp 8,87 triệu đơn vị, NKG tăng 1% lên 19.800 đồng, khớp 4,52 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sàn HNX chỉ có được sắc xanh nhạt trong khoảng 45 phút đầu phiên rồi xuống dưới tham chiếu và duy trì sắc đỏ cho tới hết phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,89 điểm (-0,38%), xuống 236,04 điểm với 52 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,5 triệu đơn vị, giá trị 543 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trên sàn này, IDC có mức tăng khá 1,1% lên 45.500 đồng, khớp 1,51 triệu đơn vị sau thông tin tích cực về các dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư xây dựng trong các khu công nghiệp của đơn vị tại Long An. Trong khi đó, số mã đáng chú ý còn lại đều giảm nhẹ, như SHS giảm 0,7% xuống 15.000 đồng, khớp lớn nhất sàn với 4,88 triệu đơn vị. CEO giảm 1,6% xuống 18.400 đồng, khớp 2,52 triệu đơn vị…
UPCoM cũng có diễn biến khá giống HNX, nhưng chỉ số chính của sàn này lại kịp trở lại và đóng cửa gần như không đổi.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 88,6 điểm với 112 mã tăng, 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,3 triệu đơn vị, giá trị 338 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sáng nay thị trường UPCoM chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có VHG đứng giá tham chiếu 3.600 đồng (khớp 1,11 triệu đơn vị), còn lại đều giảm. Cụ thể, BSR giảm 1,1% xuống 18.300 đồng, khớp 2,99 triệu đơn vị, QNS giảm 1,5% xuống 52.800 đồng, khớp 1,44 triệu đơn vị. ABB giảm 1,1% xuống 8.800 đồng, khớp 1,16 triệu đơn vị.