Vượt qua nỗi lo Thông tư 36

(ĐTCK) Khác với tháng Chạp những năm trước, tháng Chạp năm nay ghi nhận một sự kiện đặc biệt: Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực.
Vượt qua nỗi lo Thông tư 36

Phiên giao dịch đầu tiên tháng Chạp 2014, TTCK giảm nhẹ, nhưng đã bật tăng trở lại trong phiên liền sau đó, VN-Index tăng gần 6 điểm. Điều thú vị là 4 năm qua, tháng Chạp luôn là tháng TTCK tăng điểm, kỳ vọng “lịch sử lặp lại” trong tháng Chạp năm nay đang lan tỏa trong cộng đồng nhà đầu tư.

Diễn biến đáng quan tâm trong tháng Chạp năm nay là việc giá dầu thô trên thị trường quốc tế tiếp tục lao dốc, buộc Bộ Tài chính một lần nữa công bố giảm giá xăng dầu.

Giá dầu giảm mạnh ngoài dự báo, ngân sách nhà nước dự kiến sẽ giảm đi một nguồn thu rất lớn (khoảng 50 - 70.000 tỷ đồng, theo dự liệu của Bộ trưởng Bộ Tài chính), nhưng sẽ giúp các DN Việt Nam giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, cần ít nhất 3 - 6 tháng, DN mới có thể biến chi phí rẻ hơn của xăng dầu, thành hiệu quả thực của DN.

Trong khi đó, TTCK là thị trường của thông tin, hiệu ứng nhà đầu tư mua cổ phiếu để đón đầu sự bứt lên của DN do tác động của giá dầu giảm, là rất nhỏ.

Khác với tháng Chạp những năm trước, tháng Chạp năm nay ghi nhận một sự kiện đặc biệt: Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực. Văn bản này từng được ví như “cơn ác mộng” của TTCK, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3% chỉ được cho vay đầu tư cổ phiếu tối đa 5% vốn điều lệ, thay vì mức 20% vốn điều lệ cho vay đầu tư chứng khoán như trước. Các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% không được cho vay đầu tư cổ phiếu.

Trước và sau những ngày đầu tiên Thông tư 36 xuất hiện, nỗi lo về dòng tín dụng chảy sang TTCK sẽ bị siết mạnh, khiến TTCK lao đao, có những lúc rơi xuống mức 513 điểm, thấp hơn mức điểm khi xảy ra “sự cố Biển Đông” hồi tháng 5/2014. Tuy nhiên, điều đáng mừng là gần ngày Thông tư 36 có hiệu lực, TTCK càng cho thấy khả năng tự chủ cao hơn, chỉ số chứng khoán, thanh khoản có xu hướng tăng ổn định.

Khối CTCK đã nỗ lực tìm kiếm các dòng vốn mới, để bù đắp cho khoản thiếu hụt đến từ dòng vốn của các tổ chức tín dụng. VCBS, TVSI, SSI… là những CTCK Việt Nam huy động vốn thành công bằng trái phiếu. Một số CTCK có vốn ngoại như KIS Việt Nam, Maybank KimEng…, đã được ngân hàng mẹ ở nước ngoài rót hàng trăm tỷ đồng vốn mới, tăng khả năng tự chủ về dòng tiền cho các CTCK này.

Chia sẻ tại Hội thảo do Câu lạc bộ sinh viên Đại học Ngoại thương tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp của HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, ông rất mừng khi thấy nhiều CTCK chủ động tìm vốn từ trái phiếu và tìm được dòng tiền hỗ trợ từ các chủ thể không phải ngân hàng.

Thực tế, việc các CTCK quay lại bán trái phiếu cho ngân hàng là giải pháp bất đắc dĩ, vì mua trái phiếu sẽ tính vào tổng dư nợ của ngân hàng, với trọng số rủi ro cao gấp 1,5 lần bình thường. “Để hưởng lãi suất cao hơn, ngân hàng phải có số vốn đối ứng lớn hơn, đây là điểm kém hấp dẫn của trái phiếu CTCK”, ông Lực nói.

Hiện chưa có con số thống kê của NHNN hay UBCK về khoản tín dụng ngân hàng rót vào TTCK đến cuối năm 2014, nhưng các chủ thể trên TTCK dường như đã vượt qua nỗi lo mang tên Thông tư 36. Nếu tháng Chạp khởi sắc như quy luật các năm trước, sẽ tạo đà cho năm Ất Mùi vững bước và khởi sắc hơn.  

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục