Đà tăng vẫn được duy trì trong ngắn hạn
Trong đợt tăng điểm của thị trường chứng khoán vừa qua, “công” lớn nhất thuộc về nhóm cổ phiếu dầu khí và nhóm cổ phiếu có khả năng mở room cho khối ngoại. Cổ phiếu dầu khí đã phục hồi rất mạnh với mức tăng xấp xỉ 100% nhờ giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng gần 80% so với hồi tháng 2/2016, khiến triển vọng lợi nhuận của toàn ngành ổn định hơn. Ngoài ra, ngành dầu khí cũng được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Tuy nhiên, với vùng giá hiện tại, bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc phân tích, CTCK ACB (ACBS) cho rằng, nhóm cổ phiếu dầu khí khó hỗ trợ VN-Index đi xa hơn. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu kín room vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá khi mà nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các cổ phiếu VNM, BMP, FPT, DHG vẫn ở mức cao. Do vậy, việc VNM mở room dự kiến hỗ trợ tốt cho thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra, VIC và VCB vẫn đang có đà tăng rất tốt.
Nhìn về triển vọng kinh tế vĩ mô, có thể thấy, lãi suất và tỷ giá vẫn đang hỗ trợ xu hướng tăng ổn định của thị trường, trong khi tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi tốt hơn trong quý III với kết quả kinh doanh tốt. Như vậy, dù đã tăng liên tục từ Tết đến nay, nhưng thị trường vẫn kỳ vọng, VN-Index sẽ tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới.
Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS cho rằng, sự hưng phấn ngay sau phiên bán tháo do sự kiện Brexit có lẽ phần nhiều đến từ “tâm lý sửa sai” của đại bộ phận nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán thế giới hồi phục nhanh chóng sau phiên 24/6, qua đó, tác động đến tâm lý chung của nhà đầu tư Việt Nam. Phần đông nhà đầu tư ngay lập tức quay lại mua vào tại nhiều mã thu hút dòng tiền, giúp thị trường chung hồi phục về điểm số. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư bắt đáy trong phiên bán tháo 24/6 cũng chưa có dấu hiệu chốt lời mạnh. Tình trạng bán tháo không xảy ra cũng giúp cho tâm lý chung của thị trường ngày càng ổn định hơn.
“Về ngắn hạn, thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm và tạo lập những đỉnh giá mới khi mà tâm lý của nhà đầu tư hiện tại vẫn đang khá tốt, đặc biệt là việc nhiều nhà đầu tư hiện giờ mới bắt đầu mua vào sau khi thị trường tăng điểm mạnh. Về trung và dài hạn, chúng tôi cho rằng, xu hướng tăng điểm của thị trường hiện vẫn khá tích cực”, ông Hiển nhận định.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCK Maritime cho rằng, các chỉ báo của nền kinh tế đang sáng sủa, hỗ trợ tích cực cho đà tăng của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại ở quy mô khu vực (P/E đang ở mức 13 - 14 lần).
“Chúng ta cũng có thể kể đến số lượng tài khoản nước ngoài mở mới cũng như các quỹ nước ngoài mới thực hiện giải ngân vào thị trường Việt Nam, nhưng dòng tiền nội và dòng tiền ngoại đồng thuận giải ngân ở diện rộng từ cổ phiếu cơ bản đến cổ phiếu đầu cơ đã và đang phát đi tín hiệu rằng, thị trường đã bước vào giai đoạn tăng điểm mạnh mẽ”, ông Khánh nói và cho rằng “đừng nói là mốc 660 điểm, mà việc VN-Index sẽ đạt mốc 680, thậm chí 700 điểm chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Theo ông Khánh, mức độ bền vững của đà tăng điểm thể hiện qua thanh khoản cũng như lực cầu rất mạnh đối với các nhóm cổ phiếu cơ bản và đầu tư của các nhóm ngành nghề then chốt của nền kinh tế: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xây dựng… Trong ngắn hạn, VN - Index có thể tiếp cận mốc kháng cự 660 điểm và nhìn xa hơn từ nay đến cuối năm có thể là ngưỡng 680 điểm.
Cổ phiếu nào sẽ hút dòng tiền?
Thị trường đang hướng đến nhóm cổ phiếu chứng khoán bởi nhóm này vẫn còn khá tiềm năng do vùng giá hiện tại vẫn khá tốt. Bên cạnh nhóm cổ phiếu chứng khoán được hưởng lợi từ những diễn biến chung của thị trường, ông Hiển cho rằng, một số nhóm cổ phiếu khác đang được nhà đầu tư chú ý là bất động sản, xây dựng do thường ghi nhận doanh thu lợi nhuận vào các thời điểm giữa và cuối năm, cùng với đó là nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng bảo hiểm với một số trụ của thị trường như GAS, VCB, BID, BVH, BIC, BMI... Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lưu ý là mức độ phân hóa giữa các cổ phiếu trong cùng ngành hiện cũng khá cao, do vậy, cần xem xét đánh giá kỹ càng trước khi ra quyết định đầu tư.
Thực tế, ở giai đoạn hiện tại, nhiều nhóm cổ phiếu đã có đà tăng khá mạnh, đặc biệt là kể từ phiên bán tháo 24/6 cũng như tính từ đầu năm, nhưng không phải vì vậy mà không có cơ hội đối với nhiều nhóm cổ phiếu.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý II và triển vọng 6 tháng cuối năm. Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, một số ý kiến lại tỏ ra lo ngại các rủi ro liên quan đến quá trình tái cấu trúc cũng như vụ xét xử ngân hàng xây dựng. Thị trường cũng đang dành sự chú ý cho các cổ phiếu ngành dầu khí khi cùng với diễn biến lạc quan của giá dầu trong quý II là những kỳ vọng về lợi nhuận quý II/2016 của các doanh nghiệp này khả quan hơn so với quý đầu năm.
Ông Vũ Minh Đức, Phó giám đốc Phân tích kỹ thuật, CTCK VPBank (VPBS) cho rằng, hiện VN-Index đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2009 đến nay, mặc dù dòng tiền thị trường dù có cải thiện, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Với việc nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi chậm chạp và thị trường tài chính thế giới vẫn có nhiều bất ổn sau vụ Brexit, khó có thể viện dẫn một yếu tố cơ bản đủ sức thuyết phục cho sự tăng điểm của thị trường hiện tại. Tuy nhiên, trên phương diện kỹ thuật của VN-Index và HNX-Index cộng với đồ thị của những trụ như VNM, VCB, BVH, FPT, VIC…, đà tăng của thị trường sẽ còn tiếp diễn với các ngưỡng kháng cự của VN-Index lần lượt ở 680 điểm và 700 điểm.
Cũng theo ông Đức, với thực lực không quá dồi dào, nhưng dòng tiền vẫn đang “đổ” một cách có chọn lọc vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tương đối tốt và lượng cổ phiếu trôi nổi khá là cô đặc. Điều này đã khiến những mã như CTD, HSG, BMP, KSB, PTB, DSN, VCS… đạt được sự tăng giá một cách “thần tốc”. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu hết room như VNM, SSI, HCM và những cổ phiếu được ưa thích của khối ngoại như GAS, VCB, BVH… cũng thu hút được dòng tiền và chính sự ảnh hưởng mạnh cũng những cổ phiếu này đến chỉ số đã khiến VN-Index có được sự bứt phá như hiện tại. Việc chỉ số HNX-Index không tăng song hành với VN-Index cũng phần nào cho thấy điều đó.
VPBS cho rằng, những cổ phiếu “đã được lựa chọn” sẽ tiếp tục duy trì lợi thế trong ngắn hạn và chỉ đến khi nào nhóm này ổn định ở một mức cao tương đối, dòng tiền mới có sự dịch chuyển, tìm cơ hội ở những cổ phiếu “án binh bất động” trong thời gian qua.
Với diễn biến của thị trường, ở thời điểm hiện tại, dòng tiền sẽ tập trung vào hai nhóm chính là nhóm cổ phiếu doanh nghiệp có mức dự phóng kết quả kinh doanh quý II/2016 khả quan và nhóm cổ phiếu đầu cơ có thanh khoản cao, tái cơ cấu, chuyển biến tốt. Theo đó, các doanh nghiệp đầu ngành vẫn sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tích cực và khả quan trong quý II như FPT, REE, GMD… Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý II khi được công bố chắc chắn có những doanh nghiệp ngoài dự liệu của giới đầu tư và do đó chúng sẽ tạo sự phân hóa mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.