Chiều 10/10, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị được giao phụ trách đề án thí điểm cung ứng dịch vụ tổng hợp) cho biết, hiện nay, Thành phố đang tạm dừng đề án khoán xe công.
Theo ông Bình, đề án tạm dừng do vướng một số nội dung quy định tại Nghị định số 06/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan đơn vị và công văn số 3515/BTC-QLCS năm 2018 của Bộ Tài chính về tạm dừng xem xét, quyết định giao, điều chuyển, bán xe ô tô của các cơ quan, tổ chức.
Hiện nay, UBND TP.HCM đang xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Trong thời gian tạm dừng, UBND TP đã giao Lực lượng TNXP, Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, để hoàn chỉnh đề án, khi có điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục triển khai.
Ngày 26/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký quyết định thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô phục vụ công tác chung đối với 5 đơn vị: Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, UBND quận Bình Thạnh và UBND huyện Bình Chánh.
Việc khoán kinh phí xe công chỉ tính trong trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác, không áp dụng khoán trong trường hợp đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công được quyền quyết định lựa chọn 1 trong 2 phương thức khoán sau: trả tiền theo chỉ số km thực tế (11.000 đồng/km) hoặc khoán trọn gói theo tháng/xe (19,8 triệu đồng/tháng). Kinh phí lấy từ dự toán ngân sách giao hàng năm (kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ) cho các đơn vị.
Hiện tại 5 đơn vị có 26 xe dùng chung, đơn vị thực hiện đề án đánh giá khi thực hiện thí điểm thì tiết kiệm cho ngân sách mỗi tháng khoảng 105 triệu đồng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm.
TP.HCM có 693 xe công. So với quyết định 32 của Thủ tưởng Chính phủ, thành phố dư 353 xe công.