Điều này đã tạo ra sự tin tưởng vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài về môi trường phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như sự kiên định trong điều hành chính sách của Chính phủ nhằm tạo sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước trong trung và dài hạn.
Trong rất nhiều thành công mà Chính phủ đã trình bày, báo cáo tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương, từ kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, chúng tôi nhận thấy có một số nét rất đặc trưng và nổi bật trong điều hành của Chính phủ năm 2017.
Chính phủ đã có sự chuẩn bị về kế hoạch điều hành từ rất sớm, ngay từ đầu năm 2017, thể hiện ở việc đã có dự thảo và thảo luận rất kỹ để ban hành Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điểm mới thể hiện nỗ lực định hướng, tạo điều kiện để các tổ chức, cũng như nền kinh tế xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, trong năm 2017, Chính phủ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Sự kiên định, nhất quán lập trường trong điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, cũng như thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Với nền tảng này, hệ thống ngân hàng cũng được hưởng lợi, có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cung ứng vốn và tín dụng, cũng như cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cầu thị tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các tổ chức tài chính quốc tế, chuyên gia của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, ý kiến khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngân hàng một cách chủ động, linh hoạt, đồng bộ. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách vĩ mô, đặc biệt trong đó có chính sách tài khóa để cùng phát huy tác dụng đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ ngay từ đầu năm.
Một số nét tích cực trong kết quả hoạt động của các tổ chức tín dụng và công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017 như sau:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt để kiểm soát được lạm phát cơ bản ở mức 1,4%, trong bối cảnh chúng ta đưa ra một lượng tiền cung ứng rất lớn để mua ngoại tệ. Theo đó, lạm phát cơ bản duy trì biên độ 1,4 - 1,6% trong giai đoạn 2016 - 2017 và kết thúc năm 2017, lạm phát cơ bản ở mức 1,41%.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5 - 1%/năm, tín dụng tăng trưởng với tốc độ hợp lý… Cụ thể, hoạt động tín dụng đảm bảo an toàn, chất lượng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản của hệ thống rất tốt, tỷ giá, thị trường ngoại tệ được điều hành linh hoạt và chủ động, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, hỗ trợ tốt cho xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước ở mức cao nhất từ trước cho đến nay. Mức dự trữ ngoại hối cao là yếu tố đặc biệt quan trọng, củng cố vị thế và uy tín của Việt Nam, tạo lòng tin của nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Thứ ba, trong năm 2017, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2 cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã sớm trình Chính phủ phê duyệt và ban hành đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua Quyết định số 1058 của Chính phủ, đồng thời chủ động báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về các cơ chế chính sách để xử lý nợ xấu và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là những nền tảng, động lực quan trọng để giúp hệ thống ngân hàng đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Thứ tư, năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng thông qua Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, toàn bộ hệ thống ngân hàng đã tiến hành mạnh mẽ công tác cải cách hành chính và đạt được những kết quả tích cực, bước đầu tạo được môi trường thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất và kinh doanh.
Thứ năm, những kết quả đạt được của ngành ngân hàng đã góp phần trực tiếp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,53% và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế ở mức cao 6,81% . Đồng thời, tạo dư địa lớn cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cũng như cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của đất nước.
Thứ sáu, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá rất tích cực đối với kết quả của hệ thống ngân hàng Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam lên 3 bậc và hiện nay, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực và Bloomberg đánh giá đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với những kết quả nêu trên, ngành ngân hàng có thể vui mừng và phấn khởi vì những nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống trong năm 2017
Năm 2018 là năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của đất nước, cũng là năm tạo động lực hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Vì vậy, nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành ngân hàng cũng rất nặng nề là đảm bảo thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao là 6,7%. Do đó, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 năm 2018 về phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của ngành ngân hàng.