Vừa trấn tĩnh trở lại, giới đầu tư đã đón tin không vui

(ĐTCK) Khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2017 sắp kết thúc, những thông tin liên quan tới chính trị đang ảnh hưởng mạnh tới tâm lý các nhà đầu tư.
Vừa trấn tĩnh trở lại, giới đầu tư đã đón tin không vui

Sau 3 phiên giảm liên tiếp do tác động bởi các thông tin về chính trị, nhất là việc Ngoại trưởng Mỹ Tillerson bất ngờ bị sa thải, các chỉ số chính của phố Wall đã hồi phục trở lại khi bước vào phiên giao dịch thứ Năm sau dữ liệu vừa công bố cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm trong tuần trước. Các số liệu điều tra của Fed New York và Fed Philadelphia cũng cho thấy thị trường lao động đang rất tích cực.

Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, khi thông tin liên quan đến việc công tố viên đặc biệt Robert Mueller có trát hầu tòa với các bằng chứng liên quan tới Tổng thống Trump, khiến S&P quay đầu đảo chiều và có phiên giảm thứ 4 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 12/2017. Nasdaq cũng đóng cửa trong sắc đỏ, ngoại trừ Dow Jones giữ được đà tăng sau chuỗi giảm điểm liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số Dow Jones tăng 115,54 điểm (+0,47%), lên 24.873,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,15 điểm (-0,08%), xuống 2.747,33 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 15,07 (-0,20%), xuống 7.481,74 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu lại đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Năm, nhất là chứng khoán Đức và Pháp nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp bảo hiểm như Munich Re và Generali.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,07 điểm (+0,10%), lên 7.139,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 107,82 điểm (+0,88%), lên 12.345,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 33,91 điểm (+0,65%), lên 5.267,26 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên điều chỉnh hôm thứ Tư, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục chịu áp lực trong gần như suốt phiên giao dịch thứ Năm, nhưng đã đảo chiều tăng điểm thành công vào cuối phiên khi có được sắc xanh nhẹ. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm sau phiên điều chỉnh trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại tiếp tục có phiên giảm điểm, nhưng mức giảm của phiên thứ Năm rất khiêm tốn, gần như chỉ số Shanghai Composite đóng cửa không thay đổi.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 26,66 điểm (+0,12%), lên 21.803,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 106,09 điểm (+0,34%), lên 31.541,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,27 điểm (-0,01%), xuống 3.291,11 điểm.

Đồng USD phiên thứ Năm tiếp tục hồi phục với đà tăng mạnh hơn nhiều so với phiên trước đó, gây áp lực lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này có phiên giảm khá mạnh.

Kết thúc phiên 15/3, giá vàng giao ngay giảm 8,5 USD/ounce (-0,64%), xuống 1.315,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 7,8 USD/ounce (-0,59%), xuống 1.317,8 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô lại tiếp tục duy trì đà tăng khi Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết, nhu cầu dầu thô thế giới dự kiến tăng trong năm nay. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu không mạnh, bởi cơ quan này cũng cảnh báo, nguồn cung đang tăng với tốc độ nhanh hơn.

Kết thúc phiên 15/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,23 USD (+0,38%), lên 61,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,23 USD (+0,35%), lên 65,12 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục