“Vua sữa” Việt Nam hết thời hấp dẫn quỹ ngoại?

Nhiều quỹ đầu tư ngoại đang nhường lại “sân chơi” Vinamilk cho 2 cổ đông nắm giữ lượng lớn vốn doanh nghiệp chỉ sau SCIC là F&N và Platinum Victory.
Sức tăng trưởng chững lại trong vài năm gần đây là lý do khiến Vinamilk giảm sức hấp dẫn với các quỹ ngoại.

Ra khỏi top 10 khoản đầu tư của Dragon Capital 

Theo báo cáo mới nhất được công bố cuối tháng 11, cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ra khỏi top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ thành viên lớn nhất do Dragon Capital quản lý, điều chưa từng diễn ra trong lịch sử. Trước đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, Vinamilk thường chiếm tỷ trọng trên 20% danh mục của VEIL, đỉnh điểm là 27% vào năm 2012.

VNM là một trong những cổ phiếu được ưa thích nhất thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước tới nay và thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong danh mục của các quỹ đầu tư. Tuy vậy, trong hơn 1 năm qua, nhiều quỹ đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đẩy mạnh bán VNM và động thái của VEIL là minh chứng.

Tính tới cuối tháng 11/2018, giá trị tài sản của VEIL đạt 1,41 tỷ USD. Giá trị khoản đầu tư vào VNM của VEIL hiện chỉ còn gần 41 triệu USD (dưới 1.000 tỷ đồng).

Với sự “ra đi” của VNM, hiện chỉ còn duy nhất Sabeco (mã: SAB) thuộc lĩnh vực F&B nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL với tỷ trọng 5,74%. Thay thế VNM trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL là cổ phiếu FPT với tỷ trọng 2,92%, bằng với cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh. 

Không chỉ VEIL, cổ phiếu VNM hiện cũng không còn thuộc “khẩu vị” của các quỹ ngoại lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam như VinaCapital, Pyn Elite Fund…, bất chấp việc đã nới room ngoại lên 100%.

Nhường sân chơi cho quỹ khác thâu tóm

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc cổ phiếu VNM không còn hấp dẫn nhiều quỹ ngoại có thể đến từ câu chuyện sức tăng trưởng của “vua sữa” Việt Nam đã chững lại trong vài năm gần đây. Theo báo cáo tài chính được công bố, trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của Vinamilk tăng nhẹ 2% lên 39.600 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế giảm 8%, xuống 9.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu xuất khẩu giảm đến 17% do tình hình bất ổn tại thị trường Iraq (đang chiếm đến hơn 70% tổng doanh thu xuất khẩu của Vinamilk). Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu khác vẫn cho tín hiệu khả quan với mức tăng trưởng khoảng 15%. Điều này đang khá phù hợp với chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào thị trường Iraq của Vinamilk. 

“Các nhà đầu tư sẽ chờ đợi kế hoạch tăng trưởng của Vinamilk sắp tới. Còn hiện tại, họ không nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng”, đại diện một công ty chứng khoán nói. 

BVSC cho rằng, dù đã bắt đầu chuyển giao sang giai đoạn tăng trưởng chậm và ổn định hơn, nhưng Vinamilk còn nhiều động lực từ M&A và khả năng các quỹ Platium Victory - công ty đầu tư trực thuộc Tập đoàn Jardine Matheson và F&N Dairy Investments Pte. Ltd của 

tỷ phú Thái Lan sẽ đấu tranh trong việc giành quyền kiểm soát Vinamilk ở trường hợp SCIC tiếp tục thoái các lô lớn. 

Sau khi quan sát, giới phân tích cho rằng, việc thoái vốn của các quỹ ngoại nêu trên rất có thể là động thái nhường sân chơi cho Platinum Victory và F&N. 

Những quỹ ngoại đầu tư lâu năm vào Vinamilk đã bán ra đáng kể vào cuối năm 2017 khi xuất hiện lượng cầu rất lớn từ Platinum Victory. Bên cạnh 48 triệu cổ phiếu mua lại từ SCIC, Platinum Victory còn mua thêm hơn 100 triệu cổ phiếu từ các nhà đầu tư khác để trở thành cổ đông lớn nắm giữ trên 10% cổ phần của Vinamilk.

Platium Victory Pte. Ltd. vừa thông báo, hết thời gian đăng ký từ ngày 31/10 đến 29/11/2018, Quỹ vẫn chưa mua được cổ phiếu VNM nào trong tổng số hơn 17,41 triệu cổ phần Vinamilk đăng ký mua trước đó, do điều kiện thị trường không thuận lợi. Trong khi đó, F&N cũng đang là cổ đông lớn sở hữu gần 301,5 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 17,31% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Vinamilk.

Trong cơ cấu cổ đông của Vinamilk, khoảng 2/3 lượng cổ phần hiện đang nằm trong tay 3 nhà đầu tư là SCIC (36%), F&N (20%) và Platinum Victory (10,6%).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM mặc dù đã có sự hồi phục khá tốt trong nửa cuối tháng 11 (giai đoạn VNM không còn nằm trong top 10 danh mục VEIL), nhưng vẫn thấp hơn khoảng 23% so với vùng đỉnh được thiết lập vào đầu năm 2018.

Trước khi rời khỏi top 10 khoản đầu tư của VEIL, VNM chỉ còn chiếm 2,81% giá trị tài sản ròng của quỹ ngoại này, tương đương gần 41 triệu USD. Thay vào đó là các khoản đầu tư mới giá trị hơn như Thế giới Di động (120 triệu USD), Ngân hàng ACB (105 triệu USD), Nhà Khang Điền (88 triệu USD) hay Sabeco (80 triệu USD)…

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục