“Vua” bitcoin bị bắt và sự cáo chung của tiền ảo

Dù tung ra rất nhiều lời đường mật, song trào lưu kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam ngày càng đi xuống do những chiêu trò kinh doanh, đặc biệt là chiêu kinh doanh tiền ảo dạng đa cấp liên tục bị lộ.

“Vua” bitcoin bị bắt và sự cáo chung của tiền ảo

“Vua” bitcoin bị bắt

Ngày 1/8 vừa qua, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ ông Mark Karpeles, Giám đốc điều hành (CEO) Sàn giao dịch bitcoin Mt.Gox, với cáo buộc thao túng tài khoản tiền mặt tại sàn này.

Sự việc trên càng cho thấy rủi ro của việc đầu tư tiền ảo và làm sụp đổ niềm tin của nhà đầu tư đối với tiền ảo. Trước đó, tháng 2/2014, thị trường tài chính thế giới rúng động, khi sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới Mt.Gox sụp đổ, cuốn theo gần 400 triệu USD của nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, đồng bitcoin từng gây sốt và trở thành hiện tượng vào thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014. Thế nhưng, khi đồng bitcoin rớt giá không phanh (hiện chỉ còn 280 USD/bitcoin) thì nhà đầu tư cũng dần rời bỏ bitcoin.

Mấy tháng gần đây, một nhóm nhà đầu tư lại ra sức quảng bá cho loại tiền ảo mới có tên onecoin như là một phiên bản cấp tiến bitcoin với khả năng mang về siêu lợi nhuận. Khác với bitcoin, tiền ảo onecoin có danh tính người sáng lập và có hẳn một công ty để điều hành. Công ty này cũng mạnh miệng dự báo, “giá onecoin sẽ tăng vài trăm lần trong 3 năm, tương tự như bitcoin”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, cách thức kinh doanh của onecoin về bản chất giống kinh doanh đa cấp, hoạt động theo mô hình kim tự tháp, người đi trước kiếm tiền bằng cách “lừa” người đi sau tham gia. Cũng với chiêu thức y chang như các công ty kinh doanh đa cấp, công ty cũng áp dụng chính sách thưởng kim cương cho những người lôi kéo được nhiều nhà đầu tư tham gia.

“Hình thức kinh doanh tiền ảo này có mô hình gần giống kinh doanh đa cấp. Càng nhiều người tham gia, giá trị ban đầu của đồng tiền ảo càng bị đẩy lên cao, tạo sự khan hiếm và người chơi lại càng muốn tham gia vì muốn trở thành “người đi trước”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh nói.

Được biết, hiện trên thế giới có hàng trăm đồng tiền ảo là phiên bản “nhái” của bitcoin. Trong đó, rất nhiều đồng tiền ảo bị liệt vào danh sách scamcoin (đồng tiền lừa đảo). Một số loại tiền ảo khác như litecoin, peercoin, bytecoin, namecoin, ybcoin, paycoin, startcoin, mintcoin... đang được cộng đồng chơi tiền ảo ra sức “thổi” giá, song đến nay, ngoại trừ bitcoin, hàng trăm đồng tiền ảo khác chỉ có giá chưa tới 0,1 USD/coin và rất ít được cơ hội và còn ít hơn nơi chấp nhận làm phương tiện thanh toán.

Rủi ro còn hơn đánh bạc

Dù được đánh giá là có sức sống tốt nhất, được rất nhiều tập đoàn khổng lồ như: Rakuten, PayPal, Microsoft… chấp thuận làm phương tiện thanh toán, song đồng bitcoin vẫn có tương lai rất khó lường.

Tại Việt Nam, bitcoin và các loại tiền ảo khác không được thừa nhận là phương tiện thanh toán, không được pháp luật bảo vệ, đó chính là nguyên nhân của những rủi ro khó lường khi kinh doanh tiền ảo tại việt Nam.

Theo Thiếu tá Vũ Đức Thành  (Đội phó Đội 3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội), tuy mới chỉ xuất hiện mấy năm trở lại đây, nhưng kinh doanh tiền điện tử đã thu hút được rất nhiều người tham gia, mặc dù không hề hiểu biết về đồng tiền này.

Đưa ra ví dụ để minh họa cho rủi ro khi tham gia kinh doanh bitcoin, Thiếu tá Thành cho biết, trong một trình báo với cơ quan chức năng gần đây, một nhà đầu tư chuyển cho phía bán bitcoin 40 triệu đồng để mua tiền ảo, song phía bán khẳng định giao dịch bị lỗi nên không nạp tiền ảo vào tài khoản nhà đầu tư và khoản tiền 40 triệu đồng của nhà đầu tư bị mất trắng.

Cũng theo cơ quan chức năng, hiện nay, các đơn vị kinh doanh tiền ảo trái phép ở Việt Nam hoạt động như “nhà cái”, vừa bán tiền điện tử, vừa nắm quyền chi phối tỷ giá giao dịch tiền ảo nên nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tài sản.

Tại Việt Nam, tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh bị cấm. Mặc dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, người sở hữu bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

Thừa nhận rủi ro của kinh doanh tiền ảo, song Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, chuyên gia về tài chính ngân hàng cho rằng, cần nhanh chóng đưa vấn đề này vào các văn bản pháp lý để xử lý các phát sinh xảy ra.

“NHNN chưa công nhận tiền điện tử là đơn vị tiền tệ nên chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Vì vậy khi xảy ra rủi ro hay tranh chấp thì nhà đầu tư không được pháp luật bảo vệ.  Tuy vậy, tôi hy vọng, Bộ luật Dân sự sửa đổi trong thời gian tới sẽ đưa vấn đề này vào”, ông Đức nói.

Trần Mạnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục