Bitcoin: Hàng hay tiền?
Ngay sau khi bitcoin gây sốt tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đăng tải thông cáo báo chí khẳng định không chấp thuận bitcoin là phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, trên thị trường, các điểm chăng biển chấp nhận bitcoin lại mọc ra nhiều hơn.
Trả lời câu hỏi về việc doanh nghiệp chấp nhận bitcoin để trả tiền cà phê và một số dịch vụ khác có phạm luật, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, các giao dịch bằng bitcoin được hai bên coi là tiền tệ hay trá hình tiền tệ đều là bất hợp pháp. Song nếu chỉ là hàng đổi hàng thì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, NHNN cũng như pháp luật Việt Nam sẽ không bảo vệ, nếu phát sinh kiện tụng.
Cũng theo ông Tú, việc các doanh nghiệp mở rộng chấp nhận bitcoin là điều không nên. NHNN chỉ có thể cảnh báo rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải và chỉ có trách nhiệm phối hợp xử lý nếu bitcoin được sử dụng như tiền tệ.
“Trong trường hợp những người đang sử dụng, nắm giữ và trao đổi với nhau bitocin, coi nó là hàng hóa, thì vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Công thương. Còn nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Công an”, ông Tú nói.
Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp trao đổi bitcoin như một loại hàng hóa theo kiểu “hàng đổi hàng” thì không sai, mà chỉ phạm luật nếu sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán.
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) đã từ chối cấp phép cho trang web bitcoinvietnam.com.vn hoạt động như một sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, Cục vẫn chưa có văn bản hay thông báo về việc mua bán, trao đổi bitcoin nếu không qua sàn thì có được phép không.
Trên thực tế, rất khó phân biết giao dịch nào là hàng đổi hàng và giao dịch nào bitcoin được coi là phương tiện thanh toán.
“Tôi cho rằng, NHNN và Bộ Công thương đang bí vì chưa có văn bản nào làm cơ sở để xử phạt doanh nghiệp. Trên thực tế, một số điểm chấp nhận bitcoin đang coi bitcoin là phương tiện thanh toán. Nói ‘hàng đổi hàng’ trong trường hợp này chỉ là đánh tráo khái niệm”, một chuyên gia kinh tế khẳng định và cho rằng, dù cả Bộ Công thương và NHNN đều tẩy chay bitcoin, song không thể ra văn bản cấm, đây là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có nền kinh tế phát triển.
Ra văn bản vẫn khó quản
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, sắp tới, các cơ quan liên quan sẽ có văn bản đầy đủ, toàn diện điều chỉnh bitcoin và các loại tiền ảo nói chung.
Các cơ quan liên quan ở đây có thể hiểu là: NHNN, Bộ Công thương, Bộ Công an. Như vậy, rất có thể, một văn bản chính thức về tiền ảo sẽ được ra mắt. Song dường như các nhà đầu tư bitcoin tại Việt Nam vẫn khá tự tin.
Thành viên của một diễn đàn chuyên về bitcoin, tự xưng là “chuyên gia” về bitcoin cho rằng: “NHNN không chấp thuận bitcoin là điều chúng tôi đã đoán trước, song cũng không thể cấm vì sẽ trái luật. Chính tôi đã từng tư vấn cho Phó thống đốc NHNN là nếu ra văn bản quản lý, thì phải quản lý chung đối với tiền ảo, chứ không chỉ riêng bitcoin”.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin từ chối cấp phép cho sàn giao dịch bitcoin là đúng, vì việc cấp phép sẽ gây hiệu ứng không tốt, khiến thị trường tiền tệ dậy sóng đầu cơ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Tuy vậy, rất khó cấm mua bán loại tiền này.
Các chuyên gia tài chính khuyến cáo, đầu tư bitcoin cũng rủi ro như đầu tư sàn vàng, forex tại Việt Nam. Nhà đầu tư được quảng cáo sẽ thu về siêu lợi nhuận, nhưng thực chất, tiền chỉ rơi vào túi những tay môi giới, đầu cơ. Nhà đầu tư còn có thể bị cháy sạch tài khoản khi sập sàn giao dịch, bởi bitcoin không được pháp luật Việt Nam thừa nhận.