Nhu cầu vốn hiện nay của doanh nghiệp và nền kinh tế rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận vốn còn rất hạn chế. Các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp từ tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đều gặp khó. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, room tín dụng năm 2022 thêm 1,5 - 2% trên toàn hệ thống ngân hàng, mở ra kỳ vọng cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Tại tọa đàm Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp do Báo Người Lao động tổ chức sáng nay (13/12), TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia so sánh, doanh nghiệp như ruộng khô thiếu nước, tức đang thiếu tiền, trong khi có một hồ chứa nước rất lớn là tiền ở bên cạnh.
“Tuy nhiên, kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng bị nghẽn. Do đó, nước không thiếu nhưng ruộng vẫn khô, tiền không thiếu nhưng vốn không có. Việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng từ 1,5 - 2%, tương đương 200.000 tỷ đồng như nước trong hồ chảy một phần qua ruộng để giải tỏa hạn hán”, ông Lịch nói.
Tại tọa đàm Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp sáng ngày 13/12. |
TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng, nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn có nhiều kênh khác, quan trọng là nguồn vốn nào sẽ trở thành kênh dẫn nước cho doanh nghiệp.
Ngành ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Nguồn vốn tín dụng không phải để cấp phát như nguồn vốn ngân sách và không hạ được điều kiện tín dụng để cho vay. Ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt vì kinh doanh tiền.
Ông Quang nói thêm, từ đầu năm đến nay, kênh dẫn vốn lớn nhất đang chảy ra nền kinh tế là kênh tín dụng ngân hàng. Tín dụng tăng trưởng đến nay là trên 12%, mang lại gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. "Dù vậy vẫn chưa đủ vì nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn".
Quan trọng hơn, với người điều hành như Ngân hàng Nhà nước, ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô qua chỉ số lạm phát. Năm 2022, lạm phát có thể khẳng định về đích dưới 4%, hoàn toàn tự tin với bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhìn vào chỉ tiêu khác của CPI là lạm phát lõi và lạm phát cơ bản, đang thể hiện các yếu tố đáng quan ngại. Lạm phát lõi là lạm phát do nhiều nhân tố tiền tệ; lạm phát phi lõi là do yếu tố phi tiền tệ như giá cả hàng hóa do nhà nước quản lý… sẽ tác động rất lớn tới vòng 2 của giá hàng hóa, giá nhập khẩu do độ mở lớn của nền kinh tế.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới 1,5 - 2% trên chỉ tiêu 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt trên 15,5 - 16%. Như vậy, ông Quang đánh giá, chỉ còn khoảng 3 tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5 - 4% là rất thách thức.
“Làm sao để ngành ngành ngân hàng tiêu 300.000 - 400.000 tỷ đồng dù nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế rất lớn? Vì tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, họ cho vay trên các điều kiện, điều khoản cho vay, không thể hạ chuẩn, cho vay những doanh đang lỗ… Vì tiền cho vay ra là từ huy động của người dân”, ông Quang nói.
Trong bối cảnh khó khăn, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay. Thực tế là khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng là vấn đề rất khó trong điều hành ngành ngân hàng, làm sao cho khoảng cách này được rút ngắn và giữa ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung, từ đó nguồn vốn tín dụng mới lan toả ra nền kinh tế được. Các ngân hàng cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu.
“Tất nhiên, doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được nguồn tín dụng này”, ông Quang lưu ý.