Doanh nghiệp “khát” vốn mùa cao điểm
Các doanh nghiệp đang rất cần vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh dịp cao điểm cuối năm, nhưng khó tiếp cận vốn ngân hàng vì room tín dụng đã cạn. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên xem xét nới room tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 2%.
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp đang có nhu cầu cao về vốn để phục vụ kế hoạch sản xuất - kinh doanh cuối năm, việc nới thêm room tín dụng là cần thiết, song lãi suất cho vay khó giảm. Theo ông Minh, cơ quan quản lý có thể nới 1 - 2% room tín dụng, nhưng chọn lọc nhà băng có năng lực và hệ số an toàn vốn (CAR) cao. Nguồn vốn tín dụng được nới thêm cần hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh.
Tăng trưởng huy động hiện thấp hơn nhiều tăng trưởng tín dụng nên dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương, làm giảm hệ số an toàn vốn của ngành ngân hàng.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, Ngân hàng Nhà nước có thể nới thêm room tín dụng 1 - 2% trong tháng 12 này để giải tỏa tình trạng căng thẳng nguồn vốn cho nền kinh tế. Nếu nới hạn mức tín dụng thêm 1%, tương đương hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường, nhưng việc nới room cho vay chỉ nên tập trung vào một số ngân hàng khỏe và giải ngân cho các lĩnh vực ưu tiên.
Quý IV hàng năm, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là đối với doanh nghiệp gia tăng, vì nhu cầu sản xuất, tích trữ hàng hóa phục vụ dịp lễ, tết cuối năm ở mức cao và năm nay cũng vậy. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng đã cạn room tín dụng nên khó có thể đẩy vốn cho vay.
Các nhà băng đang chờ đến tháng 1/2023 để được cấp room tín dụng mới, qua đó có dư địa cho vay. Nhưng theo tổng giám đốc một doanh nghiệp, khi đó thì đã muộn cho nhu cầu vốn để dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết 2023, vì cần có thời gian chuẩn bị sớm.
Dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến cuối tháng 10/2022 tăng 11,5% so với đầu năm 2022. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng 16,5%, quy mô dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế tăng thêm hơn 1,6 triệu tỷ đồng trong 12 tháng qua. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với mức 13 - 15% của giai đoạn trước đây. Vì vậy, cơ quan quản lý có lý do để cẩn trọng trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022.
Riêng tháng 12/2022, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 48.000 tỷ đồng, nên doanh nghiệp càng muốn được tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng để có vốn tài trợ cho việc thanh toán trái phiếu.
Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước là kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, nhưng có sự linh hoạt với diễn biến vĩ mô. Tuy nhiên, hiện nay, dư nợ tín dụng đạt hơn 11,8 triệu tỷ đồng, tăng trên 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng nguồn vốn huy động chỉ là 4,8%. Do đó, room tín dụng không dễ được nới thêm. Các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn để khi có room tín dụng cho năm 2023 sẽ đẩy mạnh cho vay.
Thực tế, ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp muốn huy động vốn trung và dài hạn phải thông qua thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu). Vậy nhưng, ngân hàng đang phải gánh cả vai trò của thị trường vốn, hậu quả là thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn.
Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 10, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 152.500 tỷ đồng trái phiếu, nhưng lượng trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khá lớn, hơn 61.000 tỷ đồng, riêng tháng 12 là gần 48.000 tỷ đồng.
Trong tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, các đợt phát hành mới khó thu hút người mua, nên doanh nghiệp càng muốn được tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng để có vốn tài trợ cho việc thanh toán trái phiếu đến hạn.
Do đó, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mấu chốt để tháo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường hiện nay vẫn là tháo “ngòi nổ” trái phiếu, việc nới room thời điểm này không còn nhiều ý nghĩa.
TS. Thành đánh giá, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp khi mà phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề để giữ ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống…, nên việc thận trọng giữ room tín dụng năm 2022 ở mức 14% của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp. Dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm còn khoảng 2%, tương đương hơn 230.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Điều quan trọng là đưa dòng vốn này đến đúng địa chỉ, nếu vốn chảy không đúng chỗ thì tình hình sẽ càng thêm khó khăn.
Chính vì thế, việc kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước cũng được cho là rất cần thiết, nhất là với một nền kinh tế có tỷ lệ tín dụng/tăng trưởng kinh tế cao như Việt Nam. Ngoài kiểm soát cung tiền một cách trực tiếp là đưa ra chỉ tiêu room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát cung tiền bằng các yếu tố khác như lãi suất điều hành, hệ số CAR, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn…
Trong văn bản vừa gửi tới các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự kiên định với room tín dụng 14% năm 2022 và nhắc nhở các ngân hàng tăng trưởng tín dụng phải trên cơ sở đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng.