Trước đó, như ĐTCK đã đưa, sau khi nhận được thông tin chính thức của chủ tàu Sunrise 689 và cơ quan chức năng, các công ty bảo hiểm có liên quan đến bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm P&I cũng đã cử luật sư, giám định viên và giám định độc lập đến hiện trường con tàu.
Hiện đang có nhiều luồng thông tin trái chiều xung quanh việc con tàu bị cướp biển và phía cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, chưa đưa ra bất cứ kết luận nào. Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm cũng chưa thể xác định việc bồi thường bảo hiểm cho chủ tàu, cũng như chủ hàng.
Được biết, theo quy trình bảo hiểm hàng hải bình thường, khi khách hàng thông báo có tổn thất xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ tự giám định tổn thất hoặc thuê công ty giám định độc lập cùng các bên liên quan và cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xác minh tổn thất và nguyên nhân gây ra thiệt hại…
Sau khi hoàn thiện đầy đủ hồ sơ (các biên bản giám định tại hiện trường của các bên liên quan như giám định viên, giám định độc lập, tái bảo hiểm và quan trọng nhất là kết luận của cơ quan công an về vụ việc, tất cả các kết luận này đều đồng nhất với nhau), các công ty bảo hiểm có tham gia hợp đồng bảo hiểm với tàu và hàng sẽ tiến hành bồi thường cho khách hàng trong vòng 15 ngày hoặc có thể nhanh hơn.
Trong trường hợp vụ việc có cả công an và công ty giám định độc lập thì kết quả cao nhất là của cơ quan công an (nếu kết luận của công ty giám định và bên công an có những điểm chưa thực sự đồng nhất).
Ngoài ra, khi tiến hành xác định giá trị tổn thất và điều tra tại hiện trường vụ việc, các bên liên quan (công ty giám định và cơ quan công an) phát hiện những nghi vấn thì việc bồi thường có thể bị kéo dài lâu hơn 30 ngày hoặc hơn thời gian này cho đến khi tất các thủ tục và hồ sơ bồi thường hoàn tất.
Đối với vụ con tàu Sunrise 689, ngoài những thông tin khác nhau xung quanh việc con tàu trên bị cướp biển tấn công và các cơ quan chức năng đang làm rõ thông tin này, thì theo tìm hiểu của ĐTCK, cũng có một số tình tiết mới xung quanh hợp đồng và giá trị bảo hiểm của con tàu.
Thông tin trước đó cho biết, hợp đồng bảo hiểm thân tàu có trị giá 125 tỷ đồng được chủ tàu ký với Bảo hiểm BIC, đang còn hiệu lực, có điều khoản bồi thường trong trường hợp bị cướp biển tấn công.
Còn Bảo hiểm P&I bảo hiểm toàn phần cho hàng hóa và con người của tàu này với Bảo hiểm PTI cũng vẫn còn hiệu lực hợp đồng. Tuy nhiên, điều khoản hợp đồng không như những thông tin ban đầu.
Các nhà bảo hiểm hiện vẫn chưa chính thức công bố chính thức và cụ thể thông tin về hợp đồng cũng như số tiền ước bồi thường, kế hoạch tạm ứng bồi thường… vì vụ việc vẫn đang được điều tra và chưa có kết luận ban đầu.
Hiện đại diện của hai nhà bảo hiểm vẫn đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tìm hiểu nắm bắt thông tin… để có thể hoàn tất hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan.
Được biết, việc cướp biển tấn công tàu hàng trên những vùng biển giáp ranh giữa các nước đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần. Với tàu hàng Việt Nam chở thuê cho chủ hàng nước ngoài, việc này không phải không từng có, dù con số vụ việc còn rất nhỏ nhưng những doanh nghiệp bảo hiểm lớn chuyên về bảo hiểm hàng hải cũng đang hết sức thận trọng vì nhận thấy tình hình này có thể gia tăng với mức độ nguy hiểm và táo tợn hơn.
Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cũng cảnh báo, việc cấp đơn bảo hiểm cho tàu chở hàng nên được xem xét hết sức kỹ lưỡng, vì đây thường là những đơn hàng có giá trị rất lớn, khi có tổn thất xảy ra, việc xác minh điều tra thông tin tiếp cận hiện trường có rất nhiều vấn đề, đặc biệt đối với những công ty bảo hiểm nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm.