PVIRe nghi ngờ BIC gian dối
Vào tháng 10/2013, chiếc máy bay ATR72-600 mang số đăng kí RDPL 34233 của Lào Airlines đã gặp tại nạn, nhiều hàng khách và thành viên phi hành đoàn tử nạn. Sau đó, LVI đã tiến hành chi trả bồi thường 22 triệu USD cho phần thân máy bay và 2,6 triệu USD cho thân nhân hành khách.
Tuy nhiên, chuyện giải quyết giữa các nhà tái bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa kết thúc.
Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) đã nhận tái bảo hiểm cho hợp đồng này, sau đó chuyển nhượng lại cho một số công ty bảo hiểm trong nước, trong đó có Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PVIRe).
PVIRe nhận tái bảo hiểm từ BIC từ năm 2011 và tỷ lệ tái bảo hiểm tăng dần theo từng năm. Đến cuối năm 2013, BIC đề nghị tăng tỷ lệ tái bảo hiểm thêm 0,1%, lên 0,67% cho năm 2013-2014, nhưng PVIRe muốn giữ nguyên tỷ lệ cũ. Các trao đổi, thỏa thuận qua lại giữa hai bên diễn ra qua thư điện tử. Hồi 15h30 ngày 16/10/2013, BIC gửi thư điện tử xác nhận tỷ lệ tái bảo hiểm là 0,57% như PVIRe yêu cầu. Đến 15h55 cùng ngày, BIC thông báo về vụ tai nạn máy bay ATR72-600. Phía BIC đòi bồi thường, nhưng PVIRe từ chối. Không thương lượng được, năm 2015, BIC gửi đơn lên Hội đồng trọng tài Việt Nam (VIAC) đề nghị PVIRe phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
Vụ tai nạn rơi máy bay thảm khốc ngày 16/10/2013 đã cướp đi sinh mạng của 49 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay ATR72-600 của Lao Airlines bay từ Thủ đô Viêng Chăn về thành phố Pakse, tỉnh Champasak.
Phán quyết của VIAC yêu cầu PVIRe phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho BIC theo tỷ lệ 0,57%, tương đương số tiền 248.520 USD và phí trọng tài bị đơn phải chịu là 251 triệu đồng. Phán quyết trọng tài nhận định rằng, thỏa thuận tái bảo hiểm đã phát sinh hiệu lực từ ngày 4/10/2013, khi PVIRe gửi thư điện tử thông báo chỉ chấp nhận tỷ lệ tái bảo hiểm là 0,57%. Bất phục, PVIRe đã đệ đơn lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đề nghị hủy phán quyết trọng tài. PVIRe cho rằng, VIAC cố tình bảo vệ BIC khi đối tượng bảo hiểm không tồn tại và rằng, BIC biết rõ sự kiện bảo hiểm đã xảy ra rồi.
Tại phiên họp xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài diễn ra trong các ngày 4 và 5/8, đại diện PVIRe cho biết, ngày 4/10/2013, nhân viên của PVIRe trả lời thư điện tử, thông báo với BIC về việc giữ nguyên tỷ lệ tái bảo hiểm là 0,57%. Suốt 12 ngày sau đó, BIC hoàn toàn không có ý kiến gì và đến ngày 16/10/2013, đúng vào ngày máy bay rơi thì BIC gửi thư điện tử chấp nhận tỷ lệ tái bảo hiểm là 0,57%. Từ sự kiện này, PVIRe nghi ngờ các chứng cứ BIC đưa ra không trung thực.
“Đây là điều bất bình thường, khi nhân viên của BIC thúc giục nhân viên của PVIRe xác nhận tỷ lệ tái bảo hiểm 0,57% đúng thời điểm máy bay rơi”, đại diện PVIRe nói.
BIC tố PVIRe nhận đủ phí, nhưng không chịu bồi thường
Phía BIC không tham dự phiên họp, nhưng có gửi văn bản nêu ý kiến cho rằng, căn cứ của PVIRe là sai trái, ngụy biện, nhằm mục đích trì hoãn bồi thường tai nạn vụ máy bay ATR72-600.
Văn bản của BIC cho rằng, PVIRe đã đánh tráo khái niệm, vấn đề xem xét quy định hợp đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm là khác nhau. Trước đây, PVIRe không đề cập đến hợp đồng tái bảo hiểm, mà chỉ tranh chấp về thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng. Đến khi phán quyết không có lợi, PVIRe mới viện dẫn quy định về Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.
Trong các văn bản giải trình, PVIRe đều thừa nhận, nhân viên của bị đơn đều có thẩm quyền ký kết hợp đồng do đã được giám đốc ủy quyền, thừa nhận phí bảo hiểm, không phủ nhận giao kết hợp đồng qua thư điện tử. PVIRe cũng không có biên bản phản đối hợp đồng tái bảo hiểm liên quan tai nạn máy bay này. Đồng thời, PVIRe cũng ký vào các bản xác nhận đã nhận đầy đủ phí bảo hiểm. Điều này, thể hiện ý chí giao kết hợp đồng.
Được biết, VIAC đã có văn bản gửi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội khẳng định, phán quyết của Trọng tài không trái pháp luật Việt Nam, sự kiện bảo hiểm xảy ra nằm trong thời hạn thỏa thuận giữa hai bên. Hội đồng trọng tài đã tạo điều kiện cho 2 bên bảo vệ quyền lợi, không thiên vị bên nào.
Hội đồng xét đơn của Tòa án nhận định, phán quyết trọng tài vi phạm Điều 68, Luật Trọng tài thương mại, xác nhận nhầm thời điểm giao kết là ký kết hợp đồng, do đó tuyên hủy phán quyết của VIAC. Với việc hủy phán quyết trọng tài này, BIC có thể lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài kinh tế để đề nghị giải quyết tranh chấp nhằm bảo đảm quyền lợi.
Khoản 2, Ðiều 68, Luật Trọng tài thương mại quy định, phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có thoả thuận trọng tài, hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên, hoặc trái với các quy định của Luật này;
c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.