Năm 2008, Ngân hàng Đầu tư Bear Stearns của Mỹ trên bờ vực sụp đổ, phải nhờ J.P. Morgan giải cứu, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sâu sắc và gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể, bao gồm làn sóng thất nghiệp lớn chưa từng có.
Giờ đây, một lần nữa, thách thức đang diễn ra. Tính đến ngày 22/3, đã có 4 ngân hàng lớn là Silvergate Bank, SBV, Signature Bank, Credit Suisse sụp đổ; First Republic Bank đứng bên bờ vực…
Trên khắp thế giới, các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đề cập việc Mỹ sẽ đảm bảo cho toàn bộ tiền gửi tại các ngân hàng cỡ trung.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã công bố một “điểm dừng thanh khoản mới” để ngăn chặn nguy cơ lây lan. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cũng tuyên bố rằng, ngân hàng này được trang bị đầy đủ để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính, nếu cần.
Tuy nhiên, lịch sử có thể lặp lại hay không? Liệu một cuộc khủng hoảng tài chính khác có thể lan ra toàn cầu và lan tới Việt Nam không? Không ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra, nhưng Việt Nam nên lưu ý và chú trọng một số vấn đề sau.
Đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng là điều vô cùng cần thiết. Ảnh: Đức Thanh |
Hạ thấp lạm phát
Khủng hoảng tài chính thường xảy ra sau các giai đoạn thắt chặt tiền tệ. 15 năm trước, Fed tăng lãi suất từ 1% lên 5,25% chỉ trong 26 tháng, khiến những người vay thế chấp chịu áp lực nặng nề.
Lần này, Fed quyết định tăng lãi suất, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn - chỉ trong 12 tháng. Thị trường trái phiếu giảm mạnh, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Điều này không ảnh hưởng đến các ngân hàng nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn, nhưng SVB đã buộc phải bán trái phiếu đang nắm giữ khi khách hàng đột ngột rút tiền, chấp nhận việc mất trắng tiền lãi.
Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại cũng nắm giữ trái phiếu và loại trái phiếu này đã phải chịu tác động từ việc tăng lãi suất. Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalari ước tính, khoản lỗ khoảng 3 tỷ USD đang được ghi nhận trong các ngân hàng niêm yết của Việt Nam. Tuy nhiên, khoản lỗ này có thể dễ dàng bù đắp bằng các chủ sở hữu vốn cấp 1.
Ngày 15/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định cắt giảm lãi suất điều hành từ 0,5% đến 1%. Điều này sẽ giảm bớt áp lực lên toàn hệ thống.
Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam gần đây đã giảm (Chỉ số Giá tiêu dùng tháng 2/2023 tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước), sẽ khuyến khích nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Nếu không có những diễn biến bất lợi trong cuộc xung đột tại Ukraine, sự sụt giảm gần đây của giá cả hàng hóa toàn cầu sẽ tiếp tục làm giảm lạm phát.
Niềm tin đối với hệ thống ngân hàng
Niềm tin của khách hàng, của thị trường đối với ngân hàng rất quan trọng. Ba ngân hàng hạng trung của Mỹ và Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) đã sụp đổ do bị mất niềm tin đột ngột, dẫn đến tình trạng bị khách hàng rút tiền ồ ạt.
Các ngân hàng vốn mong manh trong việc chuyển đổi kỳ hạn tiền gửi: họ thu hút các khoản tiền gửi ngắn hạn để cho vay dài hạn hoặc mua các tài sản tài lớn. Việc đầu tư này mang lại hiệu quả khi niềm tin trên thị trường được khẳng định mạnh mẽ, nhưng lại là mối nguy hại khi thị trường hoảng loạn.
Đây là lý do tại sao, các ngân hàng trung ương đóng vai trò là người cho vay cuối cùng và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết, cũng là lý do tại sao, các cơ quan quản lý yêu cầu cần phải trích lập bảo hiểm tiền gửi để tạo niềm tin cho người gửi tiền.
Tại Việt Nam, bảo hiểm tiền gửi chi trả 5.000 USD cho khoản tiền gửi đầu tiên, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế (100.000 euro ở Khu vực đồng euro; 250.000 USD ở các ngân hàng Mỹ). Một tuyên bố chính thức liên quan đến bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp hỗn loạn có thể giúp duy trì niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Đảm bảo thanh khoản
Là một nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những diễn biến trên thị trường thế giới.
Đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng là điều vô cùng cần thiết. Các ngân hàng có thể đáp ứng yêu cầu rút tiền bất cứ lúc nào để bảo vệ danh tiếng của họ và duy trì niềm tin của khách hàng. Nguồn thanh khoản dồi dào có thể làm giảm nguồn thu của các ngân hàng trong ngắn hạn, nhưng là điều cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi khi các sự kiện bất ngờ xảy ra.
Theo NHNN, hệ thống ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi trung bình là 74,35% vào cuối tháng 12/2022.
Tỷ lệ này được coi là an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chưa hoàn toàn là an toàn cho người gửi tiền. Dẫn chứng là, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của Credit Suisse là 74% vào cuối năm 2021 - ở mức an toàn, song điều đó đã không ngăn được sự sụp đổ nhanh chóng của ngân hàng này.
Khi đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản, các ngân hàng có thể được hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng trung ương, mặc dù các khoản vay lớn từ ngân hàng trung ương có thể được nhà đầu tư hiểu là dấu hiệu khó khăn.
Từ vụ việc của Silvergate Bank, SBV, Signature Bank, Credit Suisse…, bài học hữu ích cho Việt Nam là phải có giải pháp kịp thời để giải quyết tình trạng thanh khoản ngân hàng căng thẳng trong các tình huống bất ngờ bị rút tiền đồng loạt.
Theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới
Cuối cùng, Việt Nam nên theo dõi ảnh hưởng của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế toàn cầu. Là một nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những diễn biến trên thị trường thế giới.
Cho đến thời điểm này, nền kinh tế toàn cầu dường như vẫn “miễn nhiễm” với các rắc rối của ngành ngân hàng. Theo dự báo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra vào giữa tháng 3 vừa qua, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 2,6% trong năm 2023 và 2,9% trong năm 2024, với con số tương ứng về sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Ấn Độ (5,9% và 7,1%), Indonesia (4,7% và 5,1%), Trung Quốc (5,3% và 4,9%).
Lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục giảm nhờ giá cả hàng hóa đang trong xu thế giảm, từ đó giảm áp lực lên chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Ngoài ra, các khoản hỗ trợ thanh khoản lớn do Fed và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đưa ra cho các ngân hàng gặp khó khăn sẽ vực dậy thị trường tài chính, phần nào cũng sẽ giúp ích cho các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,3% trong năm 2023 và 6,5% trong năm 2024, chậm hơn so với năm 2022, nhưng vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới và lạm phát sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu.
Nhìn chung, cho đến nay, Việt Nam vẫn được bảo vệ khá tốt khỏi tác động của khủng hoảng tài chính. Mặc dù vậy, vẫn cần theo dõi sát những diễn biến trên thị trường tài chính - ngân hàng thế giới, mặt khác, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án để khôi phục lòng tin của người gửi tiền, nếu cần.
Tóm lại, dù Việt Nam cần các khoản vốn tín dụng để đầu tư phát triển, nâng cấp giáo dục, hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo và tiếp cận công nghệ kỹ thuật số, nhưng nguồn vốn này phải đến từ các nguồn an toàn và ổn định.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 2,6% trong năm 2023 và 2,9% trong năm 2024, theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% trong năm 2023 và 6,5% trong năm 2024, lạm phát sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB).