Theo tờ The Guardian, trước khi xảy ra các vụ nổ, cả hai đường ống Nord Stream chạy giữa Nga và Đức đều không hoạt động, nhưng cả hai đều chứa khí đốt tự nhiên. Trong đó, chủ yếu là khí mêtan - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính và là nguyên nhân lớn nhất khiến khí hậu ấm lên sau khí CO2.
Mức độ rò rỉ vẫn chưa rõ ràng nhưng dựa trên khối lượng khí đốt trong một đường ống, các nhà khoa học ước tính sơ bộ lượng khí mêtan dao động trong khoảng 100.000 đến 350.000 tấn.
Ông Jasmin Cooper, một cộng sự nghiên cứu tại khoa kỹ thuật hóa học của Đại học Hoàng gia London, cho biết có rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh vụ rò rỉ.
Ông Cooper nói: “Chúng ta biết có ba vụ nổ nhưng chúng ta không biết liệu có ba lỗ ở các bên đường ống hay không, hay các vết vỡ lớn như thế nào. Rất khó để biết bao nhiêu khí đốt sẽ thoát ra khỏi bề mặt biển nhưng có hàng trăm nghìn tấn khí mêtan có thể thoát ra. Đây là một khối lượng khá lớn bị thải vào khí quyển”.
Đường ống Nord Stream 2 chứa 300 triệu mét khối khí đốt khi Đức tạm dừng quy trình cấp phép hoạt động cho đường ống này trước khi nổ ra xung đột Ukraine - Nga.
Chỉ riêng khối lượng khí đốt đó sẽ chuyển thành 200.000 tấn khí mêtan. Nếu tất cả thoát ra ngoài, khối lượng sẽ vượt quá 100.000 tấn khí mêtan thoát ra sau vụ Aliso Canyon - vụ rò rỉ khí đốt lớn nhất trong lịch sử Mỹ, xảy ra ở California vào năm 2015. Aliso có thể tạo ra sức nóng tương đương với 500 nghìn chiếc ô tô.
Ông Cooper nói: “Đây có khả năng là một trong những vụ rò rỉ khí đốt lớn nhất. Rủi ro về khí hậu do rò rỉ khí mêtan là khá lớn. Mêtan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, mạnh hơn CO2 30 lần trong vòng 100 năm và mạnh hơn 80 lần trong vòng 20 năm”.
Giáo sư Grant Allen, chuyên gia về Trái đất và khoa học môi trường tại Đại học Manchester, nói rằng các quá trình tự nhiên không thể hấp thụ được nhiều khí rò rỉ.
Ông Allen nhận định: “Đây là một lượng khí khổng lồ, ở dạng bong bóng rất lớn. Nếu nguồn khí đốt nhỏ, tự nhiên sẽ giúp hấp thụ khí. Trong vụ tràn dầu Deepwater Horizon, có rất nhiều vi khuẩn làm loãng khí mêtan. Kinh nghiệm khoa học của tôi cho thấy với một vụ nổ lớn như thế này, tự nhiên sẽ không có thời gian làm loãng mêtan. Vì vậy, một tỷ lệ đáng kể sẽ bị thoát ra dưới dạng khí mêtan”.
Không giống như sự cố tràn dầu, khí đốt sẽ không gây ô nhiễm đến môi trường biển, nhưng ông Allen nói: “Về mặt khí nhà kính, đó là một vụ phát thải liều lĩnh và không cần thiết vào khí quyển”.
Cơ quan môi trường của Đức cho biết không có cơ chế ngăn chặn trên đường ống, vì vậy toàn bộ khí bên trong có khả năng thoát ra ngoài.
Ngày 28/9, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết rằng các đường ống này chứa tổng cộng 778 triệu mét khối khí tự nhiên - tương đương với 32% lượng khí thải CO2 hàng năm của Đan Mạch.
Con số này gần gấp đôi so với khối lượng mà các nhà khoa học ước tính ban đầu. Điều này sẽ làm tăng đáng kể ước tính về lượng khí mêtan bị rò rỉ vào khí quyển, từ 200.000 lên hơn 400.000 tấn. Hơn một nửa lượng khí đốt đã thoát khỏi các đường ống và phần còn lại dự kiến sẽ thoát hết vào ngày 2/10.
Ông Jean-Francois Gauthier, Phó chủ tịch bộ phận đo lường của công ty vệ tinh đo mêtan thương mại GHGSat, cho biết đánh giá tổng lượng khí thoát ra là một thách thức. Ông nói: “Có rất ít thông tin về quy mô của vụ rò rỉ và liệu vụ việc có còn tiếp diễn hay không. Nếu đó là vết vỡ đủ lớn, khí sẽ thoát hết ra ngoài”.
Về tác động khí hậu, 250.000 tấn khí mêtan tương đương với tác động của 1,3 triệu ô tô chạy trên đường trong một năm.
Về câu hỏi liệu vụ rò rỉ này có tác động tới nhiệt độ toàn cầu không, các nhà khoa học đánh giá là không có khả năng. Lượng carbon toàn cầu hàng năm mà thế giới thải vào môi trường là 32 tỷ tấn. Vì thế lượng khí trong vụ rò rỉ Nord Stream chỉ là một phần rất nhỏ so với quá trình tích tụ mêtan từ hàng nghìn nguồn công nghiệp và nông nghiệp đang làm ấm Trái Đất.
Trong khi đó, Nga và nhiều nước châu Âu đã mở cuộc điều tra về sự cố rò rỉ đối với các tuyến đường ống Nord Stream. Văn phòng Tổng công tố Nga khẳng định: “Đã có những hành động có chủ ý nhằm phá hoại các đường ống khí đốt, gây thiệt hại kinh tế lớn cho Nga”.
Thụy Điển cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp trong ngày 30/9 để thảo luận sự cố rò rỉ nghi là do phá hoại.
Hai nước Thụy Điển và Đan Mạch được yêu cầu cung cấp thông tin cho các thành viên Hội đồng Bảo an về các sự cố rò rỉ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của hai quốc gia Bắc Âu này.