Vụ Ngân hàng Đông Á: Thêm thiệt hại 611 tỷ đồng từ kinh doanh vàng tài khoản trái phép

(ĐTCK) Hành vi kinh doanh vàng tài khoản trái phép của các lãnh đạo cao cấp Ngân hàng TMCP Đông Á góp phần làm nên số lỗ khủng.
Bị can Trần Phương Bình Bị can Trần Phương Bình

Cuối năm 2015, Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) thua lỗ 31.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng nề của Ngân hàng, trong đó một phần là từ những vi phạm của lãnh đạo cao cấp ngân hàng.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh việc thua lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ trái phép dẫn đến khoản thiệt hại gần 400 tỷ đồng tại DAB. Ngoài hoạt động kinh doanh ngoại tế, DAB còn kinh doanh vàng tài khoản trái phép gây thiệt hại hơn 611 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2010/NHNN-TT quy định các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng trước ngày 31/3/2010.

Khi này, Nghị định số 63/2003/NĐ-CP cho phép các tổ chức, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh vàng được xuất khẩu vàng trang sức.

Do DAB đã hết hạn mức xuất khẩu vàng miếng theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước, bị can Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Xuất khẩu vàng miếng DAB đã thống nhất với đại diện Công ty TNHH Tân Vạn Hưng để gia công vàng miếng thành vàng trang sức rồi xuất khẩu.

DAB đã xuất kho vàng miếng, chuyển cho Công ty Tân Vạn Hưng gia công sau đó sử dụng pháp nhân công ty này mở tờ khai hải quan xuất khẩu cho đối tác nước ngoài. Tiền thu được chuyển về tài khoản của Công ty Tân Vạn Hưng mở tại DAB.

Trong giai đoạn từ ngày 20/9/2010 đến 13/12/2011, DAB đã dùng pháp nhân Công ty Tân Vạn Hưng xuất khẩu vàng SJC dưới dạng vàng trang sức, tổng cộng 29.858 lượng vàng trị giá hơn 51,6 triệu USD.

Đối tác nhập khẩu vàng là Công ty INTL (Mỹ) chỉ thanh toán số tiền hơn 22,7 triệu USD. Số tiền không được đối tác thanh toán là gần 29 triệu USD.

Vì sao đối tác Mỹ không trả tiền cho Công ty Tân Vạn Hưng?

Theo lời khai của bị can Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến – nguyên Phó tổng giám đốc DAB, khi đã có quy định yêu cầu đóng và tất toán tài khoản kinh doanh vàng tài khoả, DAB vẫn tiếp tục thực hiện việc kinh doanh vàng tài khoản. Việc xuất khẩu vàng miếng dưới dạng vàng trang sức thông qua Công ty Tân Vạn Hưng là để lấy tiền sử dụng kinh doanh vàng tài khoản.

Công ty Tân Vạn Hưng mở tài khoản tại INTL - Mỹ để giao dịch. Tiền xuất khẩu vàng được sử dụng để ký quỹ, cắt lỗ. Đó là lý do DAB không được đối tác thanh toán gần 29 triệu USD, quy đổi bằng 611 tỷ đồng.

Các nhân viên cấp dưới tại DAB khai theo chỉ đạo của bị can Bình và Loan, ngân quỹ DAB phải xuất vàng miếng ra khỏi kho quỹ, nhưng không có chứng từ hoặc chứng từ dưới dạng bán vàng thu tiền. Thực chất chỉ có xuất vàng, không có việc thu tiền.

Khi Công ty Tân Vạn Hưng thu được tiền bán vàng thì các nhân viên lập các chứng từ mua lại số USD này, nhưng không trả tiền vì thực chất vàng là của DAB.

Cơ quan công tố xác định bị can Trần Phương Bình và các đồng phạm đã có hành vi phạm tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng.

Được biết, DAB được thành lập năm 1995. Hiện DAB có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Qua thanh tra (năm 2015), Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện nhiều hành vi sai phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Phương Bình và 25 đồng phạm ra trước tòa án để xét xử.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục