Vụ mua bán kit test Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á: Lợi nhuận trong doanh số gần 4.000 tỷ đồng đi về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Tiền lời trong doanh số gần 4.000 tỷ đồng mà Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á bán kit có về với ngân sách, hay “âm thầm” vào túi riêng?
Đại diện Học viện Quân y và Tổng giám đốc Công ty Việt Á (bên trái) tại buổi họp báo công bố nghiên cứu chế tạo thành công kit test Covid-19 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Đại diện Học viện Quân y và Tổng giám đốc Công ty Việt Á (bên trái) tại buổi họp báo công bố nghiên cứu chế tạo thành công kit test Covid-19 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Kit test Covid-19 hình thành từ gần 19 tỷ đồng ngân sách

Mới đây, cổng thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đăng tải một báo cáo tự đánh giá nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia do lãnh đạo Học viện Quân y (tổ chức chủ trì nhiệm vụ) ký, đóng dấu ngày 29/10/2021, thông tin chi tiết về bộ kit test Covid-19 mà Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) bán.

Theo báo cáo, bộ kit do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia có tên đầy đủ là: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20.

Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng, không có thêm nguồn tiền ngoài.

Tham gia nhiệm vụ nghiên cứu có 17 thành viên, trong đó chỉ có 4 người thuộc Công ty Việt Á (bao gồm cả thành viên chính là ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, người vừa bị khởi tố hình sự); 13 người thuộc Học viện Quân y.

Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ là PGS-TS. Hồ Anh Sơn; tổ chức chủ trì nhiệm vụ là Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng).

Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021 (sau khi được gia hạn đến tháng 10/2021).

Đáng lưu ý, trong báo cáo này ghi rõ, Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ nói trên trong tháng 12/2021, nhưng đến nay, chưa thấy có thông tin gì về việc này.

Còn những kết quả như: “bộ sinh phẩm tạo ra đạt trình độ cao về sinh học phân tử, có khả năng phát hiện sớm và đáp ứng nhanh trong trường hợp khi có dịch xảy ra và đạt đỉnh dịch với số lượng người nhiễm lớn trên phạm vi cả nước…”, là kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu.

Thêm một điểm lưu ý khác, báo cáo ghi rõ sản phẩm khoa học đã được ứng dụng là kit xét nghiệm RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV đã được ứng dụng từ tháng 3/2020, do cơ quan ứng dụng là Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn quốc, mà không có tên Công ty Việt Á.

Tương tự, ở phần danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng - chuyển giao (nếu có) là bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc chủng 2019-nCoV với thời gian dự kiến ứng dụng từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022 cũng chỉ ghi tên đơn vị dự kiến ứng dụng là Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y).

Hàng loạt tỉnh, thành phố phía Nam mua kit test

TP.HCM xác định, có 2 bệnh viện mua các kit test, sinh phẩm của Công ty Việt Á là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (mua 1.250 kit test với tổng kinh phí hơn 636 triệu đồng) và Bệnh viện TP. Thủ Đức (mua 65.870 kit test với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng).

CDC Bình Dương mua 10.000 kit test từ Công ty Việt Á với đơn giá 470.000 đồng/kit, tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Việt Á tiếp tục trúng thầu chỉ định gói thầu lên đến 28,2 tỷ đồng để cung cấp 60.000 kit xét nghiệm với đơn giá 470.000 đồng/kit.

Tại Đồng Nai, CDC Đồng Nai mua 4 lần với tổng số 2.475 kit test, đơn giá 509.250 đồng/kit, tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất mua 4 lần với tổng số 3.200 kit test có đơn giá 509.250 đồng/kit, tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mua 1 lần, tổng số tiền thanh toán trên 100 triệu đồng.

Cũng với dạng mua kit test, nhưng hình thức khác, năm 2021, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đặt hàng Công ty Việt Á để gửi mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR cho 50.000 ống mẫu xét nghiệm theo đơn giá Bộ Y tế hướng dẫn. Ngày 7/9, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và Công ty Việt Á đã ký biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng với số tiền trên 31 tỷ đồng.

Tương tự, tỉnh Bình Thuận mua kit test của Công ty Việt Á với số lượng 20.000 kit, đơn giá 470.000 đồng/kít, tổng kinh phí 9,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, CDC Bạc Liêu thì lại mua được với giá 350.000 đồng/kit theo hình thức chỉ định thầu, tổng kinh phí ngân sách chi ra là 2 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á có 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp. Không chỉ kit test Covid-19, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á từng trúng nhiều gói thầu vật tư y tế khác của các bệnh viện trung ương.

Ngoài Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, ông Phan Quốc Việt còn đứng tên đại diện pháp luật cho nhiều công ty khác và nhiều chi nhánh ở các tỉnh, như Công ty cổ phần Y tế Việt Á, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Á Y dược 99, Công ty TNHH Đầu tư phát triển kinh doanh Việt Á, Công ty cổ phần Kỹ thuật Việt Á...

Liên quan việc tiếp tục điều tra làm rõ vụ mua bán kit test của Công ty Việt Á, các nguồn tin từ các cơ quan báo chí cho hay, tới thời điểm này, ông Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, phụ trách vận hành, kiêm phụ trách kinh doanh) đã khai với cơ quan điều tra rằng, ông Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân, hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua đó dưới hình thức mua trang thiết bị, nguyên vật liệu, sinh phẩm. Ông Hiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin và số tài khoản của bên nhận và tỷ lệ phần trăm cho bộ phận kế toán do bà Phan Tôn Noel Thảo (Trợ lý tài chính của Công ty Việt Á) phụ trách để chuyển tiền. Để việc chi tiền ngoài hợp đồng cho các đối tác không bị sót, lọt, tất cả tài khoản cá nhân, hộ kinh doanh cá thể dùng để chuyển tiền đều liên kết với số điện thoại của vợ ông Phan Quốc Việt.

Bà Phan Tôn Noel Thảo cũng khai nhận đã tham gia chi tiền hoa hồng mua bán các đơn hàng test Covid-19, trang thiết bị y tế với nhiều CDC và bệnh viện trên cả nước. Số tiền chuyển từ 500 triệu đồng đến 100 tỷ đồng, phụ thuộc vào vào số lượng hàng đặt.

Tiền lãi từ bán kit test Covid-19 có vào ngân sách?

Những thông tin nói trên do chính Bộ KH&CN phát ra, lại bật lên nghi vấn về vấn đề Nhà nước bị thất thoát trong vụ mua bán kit test Covid-19 của Công ty Việt Á không chỉ dừng ở việc tài sản nhà nước bỗng “biến” thành của tư nhân; cũng không chỉ gồm phần chênh lệch giá từ nâng khống và số hoa hồng mà các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) hưởng.

Cơ sở của nghi vấn này là, theo Điều 41, Luật Khoa học và Công nghệ, đối với đề tài được tạo ra bằng ngân sách, thì đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với kết quả đề tài cấp quốc gia chính là Bộ KH&CN và có thể giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì. Tổ chức chủ trì có quyền giao quyền sử dụng.

Kit test Covid-19 của Công ty Việt Á hình thành từ 100% ngân sách và thuộc đề tài khoa học cấp quốc gia, nên đại diện chủ sở hữu nhà nước là Bộ trưởng Bộ KH&CN; tổ chức chủ trì là Học viện Quân y.

Điều 43, Luật Khoa học và Công nghệ về phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định: “Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, sau 17 tháng chỉ bán kit test Covid-19, Công ty Việt Á đã đạt doanh số gần 4.000 tỷ đồng. Đây mới là doanh số bán cho các đơn vị công, chưa nói bán cho tư nhân.

Câu hỏi “tử huyệt” đặt ra: Lợi nhuận từ doanh số gần 4.000 tỷ đồng nêu trên có vào được ngân sách thông qua “chủ sở hữu” và “tổ chức chủ trì”?

Nếu không làm rõ điều này, nếu để tiền “âm thầm” chui vào túi cá nhân, thì con số thất thoát rất “khủng” và phần chênh lệnh từ nâng giá khống cùng phần hoa hồng mà các lãnh đạo CDC “bỏ túi riêng” chỉ là bé nhỏ.

Cần lưu ý, theo chính công bố của Bộ KH&CN, liên quan đến ngân sách chi cho nghiên cứu về Covid-19 có khá nhiều đề tài. Có thể kể đến Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu hoàn thiện và đánh giá chất lượng sinh phẩm realtime-LAMP phát hiện nhanh SARS-CoV-2”, mã số ĐTĐL.CN.59/20 do Công ty cổ phần Sao Thái Dương là tổ chức chủ trì nhiệm vụ, được cấp ngân sách 3,6 tỷ đồng, chưa kể 1,8 tỷ đồng từ nguồn khác; Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và vi rút học bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới 2019 (Covid-19) tại Việt Nam”, mã số ĐTĐL.CN.32/20 do Viện Pasteur TP.HCM (thuộc

Bộ Y tế) chủ trì, được cấp ngân sách hơn 9,1 tỷ đồng, chưa kể hơn 7,4 tỷ đồng từ nguồn khác.

Từ vụ mua bán kit test Covid-19 của Công ty Việt Á đã cho thấy, hàng loạt khâu trong kiểm soát chống thâm thủng ngân sách liên quan đến khoa học - công nghệ và y tế “có vấn đề”. Việc làm rõ, xử nghiêm sẽ góp phần quan trọng chặn các “sân sau” khác, chặn sự trục lợi trên nỗi đau bệnh tật và khó khăn của người dân.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục