Hành trình lên sàn của MTM
Vào tháng 6/2016, việc cổ phiếu MTM bị ngừng giao dịch chỉ sau 2 tháng đăng ký giao dịch trên UPCoM là tin động trời đối với nhiều nhà đầu tư.
Những thông tin tiêu cực về CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung liên tiếp xuất hiện, như Công ty đã ngừng hoạt động, nơi đặt trụ sở Công ty là quán ăn, chi nhánh công ty tại Hà Nội là phòng khám tư nhân, hình ảnh thông tin trên website lấy lại từ một công ty khác...
Nhiều người không khỏi thắc mắc: Vì sao một công ty như vậy lại có thể đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và cổ phiếu vẫn có thanh khoản tốt trong các phiên giao dịch?
Kết quả điều tra cho thấy, việc giới đầu tư gắn mác “công ty ma” cho MTM thật sự không oan. Thành lập năm 2007, đăng ký vốn điều lệ 10 tỷ đồng, nhưng không một cổ đông sáng lập nào của Công ty góp vốn.
Năm 2008, MTM được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ chì kẽm đa kim Môn Đồng trong 5 năm, nhưng Công ty chưa tiến hành khai thác và không có hoạt động kinh doanh.
Cho đến năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh (sinh năm 1965, nguyên Giám đốc CTCP Khoáng sản Nari Hamico) mua lại hồ sơ pháp lý của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung với giá 3 tỷ đồng để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm đa kim tại Nghệ An.
Tiếp đó, Nguyễn Văn Dĩnh làm thủ tục chuyển đổi tên các cổ đông, nhờ người thân đứng tên làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.
Theo Luật Chứng khoán và các quy định pháp luật có liên quan, công ty muốn giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCoM phải đáp ứng các điều kiện: Là công ty đại chúng có ít nhất 100 nhà đầu tư; có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên; có bản cáo bạch, báo cáo tài chính năm liền trước năm niêm yết được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ, hoặc nếu có ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không trọng yếu.
Biết rõ thực trạng CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung không có vốn, không có hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng Nguyễn Văn Dĩnh vẫn chỉ đạo Nguyễn Thị Hiên (em gái Dĩnh) và Ngô Văn Hiến, Kế toán trưởng CTCP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (mã KTB) làm giả hồ sơ để đủ điều kiện giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.
Để lập báo cáo tài chính, các bị cáo này làm giả hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết, phiếu thu, phiếu chi, chứng từ ngân hàng giữa CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung và nhóm công ty của Dĩnh như KTB, Công ty Nari Hamico, CTCP Khoáng sản luyện kim Bắc Kạn... để tạo doanh thu.
Đồng thời, các bị cáo làm giả danh sách cổ đông với 103 người, đều là người quen thân của Dĩnh; chứng từ tăng vốn lên 310 tỷ đồng (phiếu thu tiền mặt và làm giả chứng từ góp vốn qua ngân hàng)...
Chẳng hạn, các bị cáo nhờ cán bộ TPBank làm giả chứng từ góp vốn 130 tỷ đồng, với hình thức chạy dòng tiền qua các công ty liên quan và cấp chứng từ. Ngô Văn Hiến mở tài khoản và chuẩn bị các giấy tờ nộp tiền để cán bộ TPBank hạch toán.
Mặc dù không có tiền mặt tại quầy, người có tên trên chứng từ không đến giao dịch, nhưng cán bộ ngân hàng vẫn hạch toán 130 tỷ đồng cho Công ty Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung.
Tiếp đó, Nguyễn Văn Dĩnh chuyển các chứng từ, hợp đồng... vào Nghệ An, chỉ đạo Dương Thị Vân, Kế toán trưởng CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung hạch toán sổ sách, báo cáo tài chính, báo cáo thuế.
Công ty MTM đã thuê 2 công ty kiểm toán, gồm Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long T.D.K; Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế IFC – Chi nhánh Thanh Hóa để kiểm toán báo cáo tài chính.
Khi kiểm toán, các kiểm toán viên chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ ngân hàng do Ngô Văn Hiến cung cấp, không soát xét kỹ hồ sơ, nhưng vẫn đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.
Sau khi hợp thức và hoàn thiện hồ sơ, Công ty Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung nộp hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu MTM. Việc chưa thành thì Nguyễn Văn Dĩnh bị bắt tạm giam trong một vụ án khác vào tháng 5/2015.
Lúc này, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công tiếp nhận hồ sơ Công ty MTM từ Vũ Thị Hoa - vợ Nguyễn Văn Dĩnh với thỏa thuận nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong tổng số 31 triệu cổ phiếu MTM (tương đương 155 tỷ đồng).
Do Công ty MTM đã rút hồ sơ niêm yết khi Nguyễn Văn Dĩnh bị bắt, Trần Hữu Tiệp, Phùng Thành Công và Vũ Thị Hoa thống nhất sử dụng hồ sơ hiện có để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch trên UPCoM và ngày 15/4/2016 là ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này.
Thao túng giá chứng khoán qua giao dịch khớp chéo
Sau khi đăng ký giao dịch UPCoM, Tiệp và Công thống nhất giao cho Công phụ trách mở 59 tài khoản tại 3 công ty chứng khoán là Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty Chứng khoán Maritime (MSI), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) để mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo.
Đơn cử, tại MSI, các bị cáo mở 11 tài khoản (nhờ bạn bè, người quen đứng tên tài khoản). Mỗi khi khớp lệnh, Công nhờ người đứng tên tài khoản rút ngay tiền bán cổ phiếu rồi lại nộp tiền vào các tài khoản khác để quay vòng mua chứng khoán, tạo cung - cầu giả tạo.
Phiên tòa xét xử bị cáo trong vụ án MTM.
Khi không đủ tiền thực hiện lệnh mua, Phùng Thành Công sử dụng dịch vụ bảo lãnh sức mua do MSI cung cấp. Mặc dù không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, nhưng MSI vẫn đưa ra sản phẩm này.
Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã trưng cầu giám định và xác định 1.064 nhà đầu tư chịu thiệt hại số tiền hơn 56 tỷ đồng. Trong đó, xác định được 822 nhà đầu tư chịu thiệt hại hơn 17 tỷ đồng. Những nhà đầu tư còn lại, cơ quan điều tra không xác minh được địa chỉ hoặc không có đơn tố cáo.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra nhận thấy một số cá nhân ở công ty chứng khoán có hành vi cho mượn tài khoản, rút tiền, giúp Phùng Thành Công đặt một số lệnh mua, bán cổ phiếu MTM trên các tài khoản trong nhóm 59 tài khoản để thao túng giá.
Kết quả điều tra không đủ căn cứ kết luận các cá nhân này thông đồng thao túng giá, do đó, Cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấn chỉnh, có biện pháp xử lý.
Được biết, một số cá nhân hưởng lợi trong vụ án này nộp lại tổng cộng số tiền 741 triệu đồng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị tịch thu sung công quỹ Nhà nước; đồng thời, đề nghị 2 ngân hàng phải nộp lại số tiền gần 70 triệu đồng, yêu cầu hai cá nhân khác phải nộp lại hơn 1,2 tỷ đồng.
Khoản thiệt hại hơn 17 tỷ đồng của 822 nhà đầu tư, các bị cáo Trần Hữu Tiệp, Vũ Thị Hoa và bị can Phùng Thành Công phải có trách nhiệm bồi thường.
Bên lề phiên tòa, một nhà đầu tư cho biết đã mua 5.000 cổ phiếu MTM ở mức giá 3.000 đồng/cổ phiếu. Việc tham dự phiên tòa chỉ để biết thêm thông tin và không hy vọng lấy lại được số tiền đã bỏ ra mua cổ phiếu.