Vụ cổ phiếu MTM: “Xác chết” được dựng dậy như thế nào?

(ĐTCK) Sau 2 năm kể từ khi vụ MTM bùng nổ, cơ quan điều tra đã có kết luận về những vi phạm pháp luật trong vụ việc.
Vụ cổ phiếu MTM: “Xác chết” được dựng dậy như thế nào?

Được biết, cổ phiếu MTM được chấp thuận đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM từ tháng 4/2016 và chưa đầy 2 tháng sau đó, HNX đã ra thông báo ngừng giao dịch mã này.

Sau đó, cổ đông phát hiện ra nhiều khuất tất trong hoạt động của Công ty, như nằm trong danh sách các công ty đã ngừng hoạt động mà chưa đóng mã số thuế do Tổng cục Thuế thông báo, hình ảnh công ty lấy của một công ty khác cùng ngành, trụ sở công ty là quán ăn...

Có thể nói, đây là vụ việc gây chấn động trên thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư thắc mắc, một công ty "ma" đã được đưa lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung như thế nào?

Còn các cổ đông, nhà đầu tư mua cổ phiếu MTM đã đơn thư tới nhiều cơ quan quản lý, cũng như đơn thư tố cáo tới cơ quan công an đề nghị làm rõ trách nhiệm với hy vọng thu hồi tài sản. Tiếp đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ.                                 

Hàng trăm cổ đông “ma”

Theo bản kết luận số 27/ANĐT-P4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định, CTCP Mỏ và Xuất khập khẩu khoáng sản miền Trung (mã UPCoM - MTM) được thành lập từ năm 2007 có trụ sở ở TP. Vinh, Nghệ An với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Năm 2008, MTM được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ chì kẽm đa kim Môn Đồng trong 5 năm, nhưng doanh nghiệp này chưa tiến hành khai thác.

Đến năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico, mua lại hồ sơ Công ty MTM với giá 3 tỷ đồng. Quá trình vào tiếp quản, Nguyễn Văn Dĩnh phát hiện mỏ có hàm lượng quặng thấp, khai thác không hiệu quả, nên không khai thác, cũng không hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Dĩnh vẫn tìm cách làm giả hồ sơ để đưa Công ty MTM đăng ký giao dịch UPCoM.

Theo quy định, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng và có 100 cổ đông cá nhân trở lên. Nguyễn Văn Dĩnh đã chỉ đạo em gái Nguyễn Thị Hiên và Ngô Văn Hiến - Kế toán trưởng CTCP Khoáng sản Tây Bắc làm giả danh sách cổ đông thể hiện MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương vốn điều lệ 310 tỷ đồng). Những người có tên trong danh sách này đều là người thân quen của Dĩnh và hoàn toàn không góp vốn thực.

Ngân hàng tiếp tay làm giả chứng từ góp vốn

Tiếp đó, các đối tượng này làm giả các chứng từ tăng vốn lên 310 tỷ đồng bằng cách viết phiếu thu tiền mặt hơn 44 tỷ đồng và làm giả chứng từ góp vốn qua tài khoản Công ty MTM mở tại ngân hàng với số tiền 255 tỷ đồng.

Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết, phiếu thu/chi, chứng từ ngân hàng giữa MTM và nhóm công ty khác do Nguyễn Văn Dĩnh sở hữu hoặc góp vốn. Các hợp đồng này nhằm thể hiện Công ty MTM có hoạt động sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận với tổng doanh số hơn 485 tỷ đồng.

Đối với việc làm giả chứng từ góp vốn và làm giả chứng từ thể hiện doanh số mua bán hàng hóa qua tài khoản ngân hàng  có sự  tiếp tay của các cán bộ, nhân viên ngân hàng BIDV và TP Bank.

Cụ thể, Nguyễn Thị Hiên đã nhờ các cán bộ BIDV Nam Hà Nội giúp “chạy khoản” bằng cách hạch toán dòng tiền trên hệ thống phần mềm BIDV qua các tài khoản trong nhóm công ty của Nguyễn Văn Dĩnh mở tại chi nhánh này. Mỗi giao dịch thường cách nhau vài phút. Từ đó, lập chứng từ giấy nộp tiền/ủy nhiệm chi/ rút tiền.

Để được cán bộ ngân hàng lập giả chứng từ, Hiên nhờ nhân viên các công ty trong nhóm ký tên vào các mục khách hàng, giám đốc, kế toán trưởng hoặc nhờ người giả chữ ký những người có tên trên  chứng từ.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các khoản thu chi tiền mặt, ngân hàng phải kiểm đếm chính xác, phải thực hiện kiểm đếm tờ... Tuy nhiên, do làm theo nhờ vả của Nguyễn Thị Hiên, không ảnh hưởng đến tồn quỹ tiền mặt cuối ngày của ngân hàng và lại thu được phí kiểm đếm (2,2 triệu đồng/giao dịch) nên cán bộ ngân hàng đề nghị chia nhỏ giao dịch. Nhờ vậy, thu được nhiều phí kiểm đếm hơn.

Để che mắt camera tại phòng giao dịch, mỗi khi giao dịch, Hiên sẽ thuê tiền đặt trên mặt quầy để cán bộ ngân hàng làm động tác kiểm đếm sau đó mang tiền về luôn.

Bằng cách này, từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2015, các cán bộ ngân hàng BIDV Nam Hà Nội đã làm giả 143 chứng từ với tổng số tiền 355 tỷ đồng thu phí giao dịch 67 triệu đồng. Có 4 giao dịch viên, 4 kiểm soát viên tham gia ký các chứng từ.

Tại TP Bank, Ngô Văn Hiến móc nối với cán bộ TP Bank Tây Hà Nội làm giả chứng từ góp vốn 130 tỷ đồng cho Công ty MTM và “chạy khoản” dòng tiền qua các công ty liên quan. Thông qua một cá nhân, Ngô Văn Hiến đã đặt vấn đề với Lê Thị Hằng Nga,  Giám đốc TP Bank Tây Hà Nội mở tài khoản, làm giả 7 chứng từ nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút séc.

Mặc dù không có tiền mặt tại quầy giao dịch, người có tên trên chứng từ không đến ngân hàng giao dịch, nhưng Lê Thị Hằng Nga vẫn chỉ đạo Trần THị Mai Lan, Giám đốc Dịch vụ khách hàng hạch toán chứng từ cho Công ty MTM. Quá trình hạch toán, có gần 39 triệu đồng còn dư trên tài khoản khách hàng đã được giữ lại để sử dụng chi phí hoạt động chung của phòng.

Vì hành vi này, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Lê Thị Hằng Nga, nguyên Giám đốc TPBank Tây Hà Nội và Trần Thị Mai Lan, nguyên Giám đốc Dịch vụ khách hàng TPBank Tây Hà Nội về tội “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”. Cùng tội này, Nguyễn Văn Dĩnh, Nguyễn Thị Hiên, cũng bị đề nghị truy tố.

Có 5 đối tượng gồm Lê Đắc Hà và Hồ Xuân Lý, nguyên là Giám đốc và Phó giám đốc Phòng giao dịch Đại Kim BIDV Nam Hà Nội; Đặng Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Hiền và Vũ Thế Vinh đều là BIDV Nam Hà Nội bị đề nghị truy tố tội “giả mạo trong công tác”.

Kiểm toán bị chứng từ giả che mắt?

Để hoàn tất hồ sơ đăng ký UPCoM, Nguyễn Văn Dĩnh chuyển các chứng từ, hợp đồng... vào Nghệ An chỉ đạo Dương Thị Vân, Kế toán trưởng MTM hạch toán sổ sách, báo cáo tài chính, báo cáo thuế.

Tiếp đó, MTM thuê 2 công ty kiểm toán gồm Công ty TNHH Kiểm toán và định giá  Thăng Long T.D.K do Từ Quỳnh Hạnh, Giám đốc Công ty T.D.K và Phan Văn Thuận - Kiểm toán viên kiểm toán BCTC năm 2013 và BCTC soát xét từ 1/1/2014 đến 31/10/2014. 

Tháng 4/2015, MTM thuê Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế IFC – chi nhánh Thanh Hóa do Nguyễn Văn Quân làm giám đốc; Lê Trọng Thanh - kiểm toán viên kiểm toán BCTC năm 2014, BCTC soát xét từ 1/1/2015 đến 10/4/2015.

Khi kiểm toán, các kiểm toán viên chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ ngân hàng do Ngô Văn Hiến cung cấp, không soát xét kỹ hồ sơ nhưng vẫn đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.

Công ty Thăng Long T.D.K thu phí 140 triệu đồng. Công ty IFC – chi nhánh Thanh Hóa thu phí 110 triệu đồng.

Bùi Trang – Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục